Sáng 7/4 đã diễn ra hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng trong vụ Đông Xuân tại các tỉnh, thành phố phía Bắc”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, vụ Đông Xuân này rất quan trọng vì đây là vụ quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này. Đây là khu vực mà có tới 80% sản lượng phục vụ nhu cầu tại chỗ. Do đó, ngay từ đầu vụ, ngành đã chỉ đạo sản xuất từ lấy nước, làm đất, giống, gieo cấy, chăm sóc… Nhìn chung, tình hình lúa đang phát triển tốt.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định năng suất, sản lượng khu vực này. Vì trà lúa sớm đã bắt đầu trỗ bông, cao điểm sẽ trỗ từ ngày 20/4 - 10/5. Thời kỳ lúa trỗ bông là thời kỳ mẫn cảm nhất với sâu bệnh. Bên cạnh đó, năm nay có nhuận hai tháng Tư âm lịch nên thời tiết rất dễ cho các nhóm sâu bệnh phát triển. Trong khi đó, vụ lúa Xuân là vụ quan trọng, liên quan đến đảm bảo an ninh lương thực.
"Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả. Vì vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm, có tính quyết định tới thắng lợi của vụ Đông Xuân", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Nhận định của Cục Bảo vệ thực vật, hiện toàn vùng đã có 3600 ha lúa bị đạo ôn lá, tăng 35% so với cùng kỳ, 204 ha bị đạo ôn cổ bông, riêng sâu cuốn lá nhỏ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra cần tập trung bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân. Theo đó, từ nay đến đầu tháng 5 cần tập trung phòng chống đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!