Đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới
"Dịch tả lợn châu Phi là một đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bắt đầu trả lời về chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội liên quan đến dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Cường tác hại ở đây đến từ đặc điểm của loại virus gây ra dịch khi xâm nhập vào đàn lợn, tỷ lệ lợn bị chết lên tới 100%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi là một đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới
"Đây là một điểm khó khi đối phó với virus này mà 100 năm nay, thế giới không sản xuất ra được vaccine. Trước tác động biến đổi khí hậu, loại virus này phát triển rất nhanh. Tháng 3/2018 xuất hiện ở Trung Quốc, cho đến nay đã có 28 quốc gia bị lây dịch này. Có thông tin nói rằng 30% đàn lợn của thế giới bị hủy diệt vì dịch", người đứng đầu ngành nông nghiệp nói về dịch tả lợn châu Phi.
Riêng tại Việt Nam, ông cho biết đến thời điểm hiện tại dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại đến 5,7 triệu con lợn, bằng khoảng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn.
Đang ở chu kỳ thấp nhất của dịch tả lợn
Tuy nhiên, theo ông Cường, bằng sự vào cuộc quyết liệt các địa phương, những tín hiệu vui đã xuất hiện trong việc đối phó với dịch tả lợn châu Phi tại nước ta.
"Cho đến giờ phút này, nhìn chung chúng ta đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển của loại dịch này", ông Cường thông báo.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu như tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn thì đến tháng này chỉ còn dưới 400.000 con. Hiện chúng ta có 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn vòng trở lại, trong đó tỉnh Hưng Yên, nơi đầu tiên phát dịch, cho đến nay 100% số xã không còn, không có dịch quay trở lại.
Đối phó với dịch tả lợn châu Phi là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Dân có đủ thịt lợn ăn Tết?
"Phương án bù lại thịt lợn, không để thiếu thực phẩm cuối năm. Đây là một vấn đề được đặt ra", ông Cường cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các giải pháp phát triển nguồn thực phẩm thay thế, song song với các biện pháp ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi phải tập trung vào 3 nguyên tắc chính gồm: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, Tổ chức sản xuất chuỗi và phải có thị trường tiêu thụ, không sản xuất ồ ạt.
"Về cân đối tổng thể, đến 9 tháng chúng ta có được một kết quả là gia cầm đã tăng được 12% sản lượng, với tổng giá trị sản lượng khoảng 1 triệu tấn thì năm nay tăng được 12%, lên 13 tỷ quả trứng, sản lượng thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng chậm hơn có 4%.
Như vậy, bằng những thực phẩm và gia tăng đó thì để cân đối đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc", người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết người dùng cần thông cảm chấp nhận giá thành giá thịt lợn cao hơn ở thời điểm hiện tại
Ngoài ra, trong công tác tái đàn sau dịch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng báo cáo Quốc hội những thông tin hết sức khả quan.
"Chúng ta giữ được đàn lợn hạt nhân, hiện nay đàn giống cụ kị, ông bà giữ được 109.000 con. Như vậy, chúng ta chỉ mất 10% ở đàn này. Đây là đàn hạt nhân, được bảo vệ rất nghiêm ngặt và làm hạt nhân cho tăng trưởng tới đây của chúng ta", ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết người dùng cần thông cảm chấp nhận giá thành giá thịt lợn cao hơn, từ 40.000 - 45.000 đồng/kg trước kia, nay là 60.000 - 65.000 đồng/kg bởi giá doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đang phải chịu giá thành sản xuất cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!