Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về quan điểm, giải pháp nhằm giải quyết việc resort, khách sạn bịt đường ra biển của ngư dân ở nhiều địa phương.
"Đường ra biển thì lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp? Sợ chỗ này không đúng địa chỉ lắm, còn tất nhiên, Bộ sẽ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương, cơ quan quản lý", ông Cường trả lời.
Phần trả lời của Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc resort, khách sạn bịt đường ra biển của ngư dân ở nhiều địa phương
Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã bật cười sau phần trả lời của người đứng đầu ngành nông nghiệp.
"Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói với ngư dân bởi ngư dân đánh bắt trên biển, là đối tượng mà Bộ phải lo. Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói với các bộ, ngành, địa phương đang bịt kín lối ra biển của ngư dân", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Tiếp thu góp ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Cường cho biết: "Nếu nói theo khía cạnh đó, Bộ sẽ ủng hộ quyết liệt và sẽ cùng với bà con ngư dân, các thành phần nêu vấn đề lên để sớm tháo gỡ", ông Cường đáp lại ý kiến nhắc của Chủ tịch Quốc hội.
Dừa có thể trở thành cây tỷ phú
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng có phần trả lời đáng chú ý khác liên quan phần chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Tại đây, đại biểu đoàn Bến Tre hỏi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường các giải pháp để gỡ khó khăn cho cây dừa.
Trả lời câu hỏi này, ông Cường cho biết, cây dừa là cây lợi thế trong biến đổi khí hậu.
"Hiện diện tích trồng dừa của thế giới đang giảm, cho nên chúng ta cần phải tập trung. Bên cạnh đó, cây này chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây dừa có thể là cây tỷ phú được", người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định dừa có thể trở thành cây tỷ phú
Cũng theo ông Cường, Bộ NN&PTNT đã tập trung các nhóm giải pháp, có cả các chương trình, đề tài khoa học, trong đó có đề tài giao cho Trà Vinh, khuyến khích một doanh nghiệp nữa đang làm, đó là nhân giống vô tính cây dừa, bởi vì muốn phát triển nhanh thành hàng hóa không thể nào trồng theo kiểu hiện hữu tính như hiện nay.
"Nay mai có làm được chuyện đó thì vùng nào lấy dầu, vùng nào tổ chức sản xuất, chế biến thực phẩm, vùng nào phục vụ công nghiệp chế biến sẽ rất hiệu quả", ông Cường nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!