Mức xử phạt hành chính khi cơ quan, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội quá thấp và không có tính răn đe, lãi suất chậm đóng chỉ mang tính hình thức, cơ chế xử lý vi phạm rườm rà, tốn thời gian, phụ thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan nên khó áp dụng trong thực tế. Đây là lý do khiến số nợ đọng bảo hiểm xã hội ở nhiều địa phương ngày càng tăng và khó giải quyết.
Công ty vẫn hoạt động bình thường, thế nhưng điều không bình thường là Công ty cổ phần cơ khí lắp máy Sông Đà - chi nhánh 5 nợ đọng dây dưa trên 7 tỷ đồng bảo hiểm xã hội. Ngoài số doanh nghiệp thua lỗ, vẫn có nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội cho mục đích kinh doanh.
Theo thống kê từ ngành bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, hiện còn 600 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên 6 tháng với số tiền gần 100 tỷ đồng.
Một khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động không chỉ không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế, hay không thể chốt sổ khi nghỉ hưu, mà còn mất luôn cả số tiền trích đóng các chính sách bảo hiểm hàng tháng. Do vậy, với người lao động, ngoài môi trường làm việc tốt; bảo hiểm xã hội vẫn là hình thức bảo toàn cuộc sống ngay cả khi làm việc hoặc thôi việc.
Tình trạng trốn, nợ, chiếm dụng bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp đã đến mức báo động và trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.
Do vậy ngoài việc tăng cường các giải pháp chống nợ đọng, vẫn cần những biện pháp chế tài đủ mạnh; cũng như trao quyền thanh tra xử phạt trực tiếp doanh nghiệp, có như vậy ngành bảo hiểm xã hội thuận lợi hơn trong việc ngăn chặn nợ đọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!