Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Con số này sẽ còn tăng do già hóa dân số, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là do tai nạn giao thông. Đây là cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Người khuyết tật, những người thiếu may mắn trong cuộc sống, cũng có những nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận các công trình giao thông, các công trình công cộng. Tuy nhiên, đến nay, số công trình công cộng cho phép người khuyết tật dễ dàng tiếp cận mới chỉ đáp ứng được chưa tới 10% so với nhu cầu thực tế.
Cách đây nhiều năm, Bộ Xây dựng đã ban hành bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình công cộng, đưa ra quy định rõ ràng, phù hợp với nhân trắc học và thực tế của Việt Nam. Theo đó, các công trình lớn phải đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật ở mức độ tối thiểu là có đường dẫn. Nhưng theo một kết quả mới đây, có tới 90% công trình được khảo sát không đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia lân cận, việc thiết kế đô thị có tính tới nhu cầu của người khuyết tật được đánh giá là rất quan trọng. Thậm chí, được coi là một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá mức độ văn minh của đô thị, hay sự hiện đại của cả công trình công cộng.
Ví dụ tại Singapore, hơn một nửa số xe bus công cộng tại Singapore đều phù hợp với những chiếc xe lăn. Những chiếc xe bus này được dán nhãn màu xanh dương có hình người ngồi trên xe lăn. Nhân viên phục vụ xe bus được huấn luyện kỹ năng giúp người đi xe lăn lên và xuống xe một cách dễ dàng. Với những người khiếm thị, có những hệ thống chỉ dẫn bằng chữ nổi giúp họ có thể lên, xuống xe một cách dễ dàng.
"Giao thông tiếp cận" là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có người khuyết tật. Mọi sự thay đổi toàn diện thiết nghĩ phải xuất phát từ thay đổi nhận thức về nhu cầu người khuyết tật.
Việt Nam đã ký công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với nhóm đối tượng thiếu may mắn này. Do vậy, những quyền lợi cơ bản nhất của họ khi tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng cần được tôn trọng, để hướng tới sự phát triển bình đẳng trong một đô thị văn minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!