Thu hút nhà đầu tư vào thị trường nước sạch với mức giá theo cơ chế thị trường

PV-Thứ ba, ngày 08/10/2019 09:00 GMT+7

VTV.vn - Bài toán cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cần phải sớm được giải quyết khi thực hiện xã hội hóa đầu tư nước sạch.

Sau 1 tháng đưa vào vận hành phân kỳ 2 của giai đoạn 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (NMNM Sông Đuống) hiện có công suất 300.000 m3/ngày đêm và đủ để cung cấp cho khoảng 3 triệu người. Trên thực tế, mặc dù nhu cầu được sử dụng nước sạch của Hà Nội là rất lớn, đặc biệt người dân có thể sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để thay thế nguồn nước sạch có chất lượng cao hơn, tuy nhiên, nguồn cung từ NMNM Sông Đuống hiện mới chỉ giải phóng được khoảng 40%. Vì thế, bài toán cần tìm lời giải hiện nay chính là làm sao để xây dựng mức giá bán nước vừa phù hợp với cung cầu, vừa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Thu hút nhà đầu tư vào thị trường nước sạch với mức giá theo cơ chế thị trường - Ảnh 1.

Có công suất 300.000m3/ngày đêm nhưng NMNM Sông Đuống mới chỉ cung cấp được 40% công suất do gặp khó khăn về giá bán nước sạch

Để đảm bảo hoàn vốn cho giai đoạn 1 đã hoàn thành với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự án NMNM Sông Đuống đã được Thành phố Hà Nội phê duyệt giá bán nước được tính toán dựa trên phương án đầu tư ban đầu ở mức 10.246 đồng/m3. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cho rằng, cung cầu thị trường mới là yếu tố quyết định mức giá đó có phù hợp và có thể áp dụng lâu dài được hay không. Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống chia sẻ: "Thực sự là với giá nước chúng tôi đang rất trăn trở và chúng tôi mong muốn trong thời gian tới thị trường và chính bà con là người điều tiết giá cho chúng tôi và cho chúng tôi được vùng cấp nước làm sao đó để chúng tôi sản xuất được ra nước đủ cung cấp cho người dân và chúng tôi có thể phát được hết công suất của mình."

Theo kế hoạch, đến năm sau, các nhà máy nước sạch sông Đuống, sông Hồng, sông Đà của Hà Nội đều được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với mức giá bán nước đều được xây dựng và phê duyệt ở mức trên dưới 10.000 đồng/m3. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết theo cơ chế thị trường thì "những nhà cung cấp nước sạch xã hội hóa được phép thỏa thuận trực tiếp với người mua với mức giá phù hợp cho cả hai bên" và "nhà cung cấp nước sạch này có thể phối hợp với các chủ đầu tư để thỏa thuận, thiết lập bảng giá nước sạch". Theo chuyên gia, bên cạnh chất lượng nước thì mức giá "thuận mua, vừa bán" cũng là yếu tố then chốt quyết định sự lựa chọn của người dùng.

Thu hút nhà đầu tư vào thị trường nước sạch với mức giá theo cơ chế thị trường - Ảnh 2.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết khả năng cung cấp nước bắt đầu cân bằng sau khi NMNM Sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội: "Sau khi NMNM Sông Đuống hoàn thành và bắt đầu phát nước thì khả năng cung cấp bắt đầu cân bằng, cung đã bắt đầu tăng hơn cầu. Nhà đầu tư hiện nay cũng đang đề xuất kế hoạch nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm ở giai đoạn tiếp theo sau năm 2022." Như vậy, khi nguồn cung nước sạch tăng lên, đặc biệt là sau khi NMNM Sông Đuống phát nước phân kỳ 1B, các doanh nghiệp trong ngành cũng có thêm cơ sở để giải bài toán về giá bán và phương án mở rộng đầu tư".

Theo các chuyên gia, bài toán cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cần phải sớm được giải quyết khi thực hiện xã hội hóa đầu tư nước sạch bởi việc xây dựng mức giá phù hợp với cung cầu, dựa vào khung giá nước đã được Bộ Tài chính quy định, sẽ là một trong những yếu tố quyết định tính hấp dẫn đầu tư đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vị dân sinh này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước