Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet. Ảnh: VGP
Đây là một hành động tiên phong nữa của Chính phủ nhằm lan tỏa và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và là tiền đề để Việt Nam tiến tới một nền kinh tế số cũng như xã hội số.
e-Cabinet là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ từ cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp đến quản lý ý kiến góp ý, chỉnh sửa dự thảo văn bản và biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.
e-Cabinet cũng có chức năng hỗ trợ quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại, gửi email thông báo và tự động nhắc thành viên Chính phủ khi có nội dung quá hạn cho ý kiến. Mục tiêu của e-Cabinet là đến hết năm nay giảm 1/3 thời gian các phiên họp của Chính phủ so với trung bình các năm trước. Cũng như giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm nay sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ trừ văn bản mật.
Vào lúc 11h ngày 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên bằng hệ thống e-Cabinet. Trong đó, toàn bộ hồ sơ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử đều được cập nhật trên hệ thống e-Cabinet. Tại phiên họp, 21 thành viên Chính phủ có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết, 4 thành viên Chính phủ vắng mặt đã biểu quyết thông qua nghị định bằng thiết bị di động.
Hệ thống e-Cabinet do Viettel tự bỏ vốn xây dựng, vận hành trong thời gian kỷ lục chỉ có 3 tháng, để Văn phòng Chính phủ thuê lại. Hệ thống có độ bảo mật cao và sử dụng các bộ mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ và truyền dữ liệu. Thời gian tới, hệ thống sẽ được Viettel tích hợp sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Biểu dương Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Viettel đã đi nhanh trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử. Dù E-Cabinet là một phương thức làm việc mới của Chính phủ Việt Nam, nhưng trên thế giới ở rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công.
Thủ tướng yêu cầu cần có khung cơ sở pháp lý để e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trong đó phải có quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, của Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và Viettel tiếp tục rà soát, nâng cấp hệ thống để phù hợp với đặc thù và tính chất công việc của Văn phòng Chính phủ, nhất là phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chống tin tặc, an ninh mạng và các hình thức phá hoại về thông tin hoặc lộ lọt thông tin.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu e-Cabinet phải mang bản sắc Việt Nam, không áp dụng máy móc mô hình của nước ngoài. Cùng với yêu cầu các thành viên Chính phủ cần quán triệt tinh thần tiên phong, quyết liệt nhập cuộc, đổi mới mạnh mẽ, nắm vững các thao tác để sử dụng thành thạo hệ thống này, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phải áp dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin để hạn chế tối đa sự chậm trễ, cũng như hạn chế sự tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc, đi cùng với đẩy mạnh thanh toán điện tử và xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!