Thủ tướng đề nghị TP.HCM vượt qua tâm lý an toàn, tìm hướng đột phá

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 23/06/2017 18:56 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM về kinh tế - xã hội và một số vấn đề tăng trưởng của thành phố. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo TP.HCM hãy vượt qua tâm lý an toàn là trên hết, để tìm cách đột phá.

Tại buổi làm việc kéo dài gần 6 giờ đồng hồ với lãnh đạo TP.HCM vào sáng 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo thành phố lớn nhất cả nước này hãy vượt qua tâm lý an toàn là trên hết, để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới đề xuất với Trung ương những thể chế và pháp lý mới nhằm nới rộng chiếc áo đã quá chật từ nhiều năm nay đối với sự phát triển của TP.HCM.

Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM kể từ cuộc làm việc đầu tiên vào ngày 27/6 năm ngoái. Dẫn chứng về tầm quan trọng của TP.HCM đối với cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thành phố đạt được 1% tăng trưởng GDP, thì GDP cả nước tăng 0,21%. 

Từ đầu năm đến nay, dù thành phố tăng thu ngân sách trên 20%, song Thủ tướng vẫn bày tỏ sự lo lắng về một loạt những thách thức mà siêu đô thị vốn đang đóng góp 27% số thu ngân sách của cả nước đang phải đối mặt. Đó là, chỉ số năng lực cạnh tranh liên tục tụt hạng, từ thứ 4 cả nước năm 2014, xuống thứ 6 năm 2015 và nay là ở vị trí thứ 8. Trong đó tiêu chí chi phí không chính thức và tính năng động liên tục dưới trung bình. 

Thành phố có 3 khu công nghệ cao, nhưng vẫn chủ yếu là gia công, vì xuất, nhập khẩu gần ngang bằng nhau. Thành phố có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp, nhưng mới chỉ chiếm một nửa diện tích được quy hoạch và nhiều năm qua không phát triển thêm được khu nào. Trong khi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, là những thách thức về ô nhiễm môi trường, úng ngập, ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh, nhất là nhiều công trình quan trọng chậm được triển khai. Thủ tướng nêu ra một yêu cầu rất lớn đối với TP.HCM đó là không được đi vào vết xe của các thành phố khói bụi, ô nhiễm và tắc nghẽn làm mất đi sức hấp dẫn và tính cạnh tranh.

Thủ tướng so sánh TP.HCM có diện tích lớn hơn Bangkok 30%, dân số tương đương nhưng tổng Tổng sản phẩm làm ra chỉ bằng 1/3. Còn lượng khách quốc tế đến Bangkok gấp 3,6 lần lượng khách đến TP.HCM, đóng góp 10% vào GDP của Thái Lan, tương đương với gần 40 tỷ USD. 

Từ đó, Thủ tướng khẳng định, Trung ương không đứng ngoài các thách thức này của TP.HCM, mà yêu cầu các Bộ, ngành phải xắn tay áo, gắn trách nhiệm cao nhất của mình với thành phố, nhằm tháo gỡ những nút thắt về thể chế và phân cấp, để thành phố phát triển theo một tầm nhìn và quan điểm mới, đó là thành phố toàn cầu, là nơi hội tụ Đông - Tây, đề cao các giá trị nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa phương Nam mà hiện thân là những con người phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách và là sự khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế

 Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo thành phố phải có quyết tâm cao và mạnh mẽ trong tư duy lẫn hành động. Nhất là tiếp tục suy nghĩ để thí điểm những cơ chế mới theo hướng hãy vượt qua suy nghĩ là thành phố đã đạt đến điểm ngưỡng, không thể phát triển bứt phá, để mạnh dạn đề xuất với Trung ương các hình thức pháp lý cao hơn.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với thành phố rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 tới. Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo thành phố cần có hội nghị với các nhà đầu tư để tháo gỡ những rào cản trong đầu tư và kinh doanh, rồi từ đó trở thành 1 trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất. 

Đối với vấn đề môi trường, Thủ tướng yêu cầu thành phố huy động các nhà khoa học xây dựng đề án chống ngập trình Thủ tướng, đi cùng với việc phải tìm kiếm công nghệ xử lý rác mới. Trong lúc tôn trọng giấy phép đã cấp nhưng không tiếp tục mở rộng việc chôn lấp rác. Bên cạnh đó, thành phố phải chủ động xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng và các giải pháp phát triển đô thị thông minh. Chính phủ sẽ ủng hộ cách làm mới của thành phố.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc đã khẳng định thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ra lệnh dừng tất cả công trình ở sân golf Tân Sơn Nhất để kiểm tra và sẽ ưu tiên cho phát triển hàng không dân dụng. 

Thủ tướng nhấn mạnh, dù sân bay Long Thành có được xây dựng thì 10 năm nữa mới đi vào hoạt động. Vì thế sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vẫn tồn tại. Do vậy, để đảm bảo khách quan Thủ tướng đã quyết định sẽ nhờ tư vấn nước ngoài để nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Về đề nghị được tổ chức Seagames năm 2021 của TP.HCM, Thủ tướng cho biết Hà Nội cũng có đề xuất này, do vậy, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn phương án trình Thủ tướng quyết định.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước