Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. - Ảnh: VGP
Sáng 03/11/2019, tại Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác đã dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch ASEAN 2019 chủ trì.
Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh những thành tựu ASEAN đạt được năm nay với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại ai phía sau và hướng tới tương lai. ASEAN đồng thời có những bước tiến mạnh mẽ thông qua triển khai "Tuyên bố Tầm nhìn các Nhà Lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", văn kiện Tầm nhìn ASEAN về khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh thúc đẩy môi trường bền vững và phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, cần đảm bảo môi trường khu vực ổn định: tăng cường lòng tin chiến lược, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), hoan nghênh hai nước ngoài ASEAN tham gia TAC; nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung tâm ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ASEAN+3, ARF...; khẳng định cam kết ASEAN tiếp tục đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử COC, diễn tập hàng hải với Hoa Kỳ.
Là Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Thái Lan cam kết thúc đẩy các nỗ lực ASEAN phấn đấu kết thúc đàm phán RCEP trong năm 2019, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư trong khu vực. Đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng, ASEAN cần giải quyết bài toán phát triển nguồn nhân lực và giữ gìn môi trưởng, chống rác thải đại dương, ô nhiễm không khí, đánh cá bắt cá trái phép, thúc đẩy bản sắc ASEAN, liên kết, kết nối với bên ngoài. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
* Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, sáng 03/11/2019, tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22.
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực. Các nhà Lãnh đạo khẳng định nỗ lực đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, trong đó có sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC, cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.
Thủ tướng dự Hội nghị ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: VGP
Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh quan hệ kinh tế gắn kết chặt chẽ giữa hai bên, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp và cũng là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hoá thương mại-đầu tư và củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ, nỗ lực đóng góp hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đúng thời hạn đề ra.
Trên tinh thần tuyên bố Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 (thông qua năm 2018), hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm chung như trao đổi thương mại-đầu tư, trong đó có triển khai hiệu quả Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều ở mức 1 nghìn tỉ USD và đầu tư đạt 150 tỉ USD vào năm 2020; tăng cường kết nối, trong đó có gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường; mở rộng giao lưu nhân dân, du lịch; đẩy mạnh hợp tác về đổi mới, sáng tạo, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà Lãnh đạo về những tiến triển trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng khẳng định ASEAN luôn coi trọng vai trò của Trung Quốc đối với các nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh và ổn định để hợp tác phát triển thịnh vượng trong khu vực. Thủ tướng ủng hộ việc xác định năm 2020 là năm hợp tác kinh tế số ASEAN-Trung Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp. Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Kết thúc Hội nghị, hai bên nhất trí thông qua 03 văn kiện gồm (i) Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh; (ii) Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường trao đổi và hợp tác truyền thông; (iii) Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về gắn kết Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
* Tiếp theo chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, trong sáng 03/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà Lãnh đạo ASEAN đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 16.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị ASEAN - Ấn Độ. - Ảnh: VGP
Các nhà Lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Ấn Độ triển khai Chính sách Hành động hướng Đông, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm cũng như nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng của ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Các nhà Lãnh đạo ghi nhận quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ đang tiến triển rất tích cực trong những năm qua với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2018 đạt 80.8 tỉ USD và FDI từ Ấn Độ sang các nước ASEAN đạt 1.7 tỉ USD; hợp tác được đẩy mạnh toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Các nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên tinh thần Tuyên bố Dehli thông qua tại Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ, nhất là trên các lĩnh vực như trao đổi thương mại- đầu tư, hợp tác biển và đảm bảo an ninh biển, kết nối và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, giáo dục-đào tạo, du lịch…
Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh quyết định của các Bộ trưởng Kinh tế khởi động rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ, tận dụng hiệu quả tiềm năng thị trường rộng lớn với 2 tỉ dân của ASEAN và Ấn Độ. Hai bên khẳng định phối hợp thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) theo đúng tiến độ.
ASEAN và Ấn Độ nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực phối hợp thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển, nhấn mạnh ủng hộ lập trường của ASEAN, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, ủng hộ các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các Nhà lãnh đạo hai bên về những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020, hai bên sẽ bước vào chu kỳ hợp tác mới với Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế biển xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, phát triển du lịch...
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì an ninh và ổn định trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc, đẩy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
* Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, chiều 03/11/2019, tại Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc lần thứ 10.
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của Liên hợp quốc và ASEAN trong hợp tác giải quyết các thách thức hiện nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều mối an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình ở Biển Đông..., các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong việc ứng phó với các thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, thiên tai, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, nước biển dâng, ô nhiễm, rác thải nhựa... Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hợp tác ASEAN với UNESCO và UNICEF.
Về vấn đề Biển Đông, Hội nghị đánh giá có những diễn biến đáng lo ngại, cho rằng các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Liên Hợp Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các nhà Lãnh đạo tin rằng với việc Indonesia và Việt Nam là Ủy viên không thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020, ASEAN và Liên hợp quốc sẽ gia tăng hơn nữa hợp tác, góp thúc đẩy hoà bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Thay mặt các nước ASEAN, Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan ghi nhận nỗ lực hiện thực hóa 93% mục tiêu trong kế hoạch hành động ASEAN- Liên hợp quốc, hướng tới việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030; cảm ơn Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ, khai trương trung tâm nghiên cứu và đối thoại bền vững.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đánh giá cao những thành tựu ASEAN đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để không ai bị bỏ lại phía sau. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững. Về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính, đánh thuế carbon, không xây dựng nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch; nhắc lại cam kết các quốc gia phát triển cung cấp 100 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thoonglun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, gặp Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Hoàng tử Anh.
* Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thoonglun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tích cực của mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, gắn bó giữa ba nước thời gian gần đây, đề nghị ba nước thúc đẩy các chiến lược, chương trình, hơpj tác và kết nối giữa ba nước, Tiểu vùng sông Mê Công cũng như với các đối tác khác, mong muốn ba nước cùng hỗ trợ nhau giữ vững hoà bình, ổn định, độc lập tự chủ và phát triển kinh tế. Ba Thủ tướng đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ ưu tiên về kết nối, phát triển bền vững, thúc đẩy thương mại-đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. - Ảnh: VGP
* Tại cuộc gặp với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã nhấn mạnh coi trọng cao độ việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững; nhất trí các biện pháp tăng cường quan hệ hai nước trong năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ chúc mừng Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, mong muốn thúc đẩy trao đổi, hợp tác đa phương giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu to lớn của Trung Quốc trong 70 năm qua, nhất là sau hơn 40 năm cải cách mở cửa; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; bày tỏ ủng hộ với sự phát triển của Trung Quốc. Thủ tướng cũng đánh giá cao một số tiến triển giữa hai nước trong hợp tác kinh tế, thương mại; đề nghị Trung Quốc tiếp tục có các biện pháp, chính sách cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam đang tăng nhanh; thúc đẩy hơn nữa tiện lợi hóa thông quan tại các cặp cửa khẩu; giải quyết các vấn đề tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay. Trung Quốc mong muốn thúc đẩy, củng cố truyền thống hữu nghị, mở rộng hợp tác giữa hai nước, coi trọng giải quyết các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên, sử dụng tốt các cơ chế để thúc đẩy hợp tác.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai nước; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định tại khu vực; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên trì giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; xử lý tốt vấn đề nghề cá và ngư dân; đề nghị Trung Quốc tôn trọng các hoạt động kinh tế biển bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế; đồng thời tin tưởng rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thoả đáng. Phía Trung Quốc khẳng định mong muốn kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiềm chế, không để tác động đến tổng thể quan hệ hai nước.
* Tiếp Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ đánh giá cao tình cảm và sự hỗ trợ của bà Georgieva cũng như IMF và Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam, đề nghị IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chiến lược phát triển, điều hành kinh tế vĩ mô, hiện đại hoá quản trị nền kinh tế. Tổng giám đốc Georgieva khẳng định IMF coi Việt Nam là hình mẫu tăng trưởng mạnh mẽ đi đôi với phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. IMF mong muốn Việt Nam tiếp tục tăng cường tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ các rào cản, coi trọng tăng trưởng theo chất lượng, tập trung xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cam kết sẽ phối hợp hiệu quả với Việt Nam và ASEAN trong năm 2020.
Thủ tướng gặp Tổng Giám đốc IMF. - Ảnh: VGP
* Tại buổi tiếp Hoàng tử Anh Andrew, Công tước xứ York, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phủ đánh giá cao và mong muốn Hoàng tử tiếp tục đóng góp và hỗ trợ cho việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh cũng như sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, sản xuất, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Hoàng tử cũng hứa sẽ tích cực đóng góp vào sự phát triển quan hệ Việt Nam - Anh bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhất là trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã dự chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và phu nhân chào mừng các Trưởng đoàn và phu nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!