Thủ tướng: Hội nhập kinh tế quốc tế là động lực cải cách, thúc đẩy tăng trưởng

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 20/12/2017 22:56 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Chính phủ Việt Nam coi hội nhập là động lực của cải cách kinh tế và lấy hội nhập để thúc đẩy tăng trưởng của một nền kinh tế tự cường.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế với chủ đề: "Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới".

Nếu tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cách đây 10 năm, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, lên tới trên 400 tỷ USD. Chỉ tính riêng năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trên 35 tỷ USD. Thành quả của hội nhập là rõ nét, nhưng một số học giả và nhà ngoại giao cho rằng, để hội nhập tăng cường động lực cho phát triển của Việt Nam thì cần phải mượn hội nhập để làm chất xúc tác cho cải cách kinh tế ở trong nước, nhất là phát triển mạnh mẽ hơn nữa công nghiệp và thị trường trong nước.

Ông Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - cho rằng: "Các bạn sẽ mất tiền nếu tôm xuất khẩu vào EU có quá nhiều dư lượng kháng sinh và như thế thương hiệu tôm Việt Nam sẽ bị hủy hoại. Vì thế, trước khi có chiến lược xây dựng thương hiệu, các bạn cần nâng cao chất lượng bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và hội nhập ở đây có nghĩa là phải có một cơ quan mạnh về lĩnh vực này. Điều thứ hai thưa Thủ tướng đó là cần phải phát triển công nghiệp trong nước. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam tương đương 83% tống sản phẩm trong nước, 78% là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm ra. Câu hỏi ở đây là tương lai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, họ sẽ được hưởng lợi gì?".

Tán đồng với các quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân đề nghị các Bộ, ngành và địa phương phải nhìn nhận các bất cập, tồn tại trong hội nhập thời gian qua. Đó là sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập. Khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có sự liên kết hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập còn là vấn đề rất lớn. Chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, cho nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập và hội nhập chưa trở thành động lực để cải cách kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong hội nhập, vì thế Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn để khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh hơn để từ đó tận dụng được thời cơ mà hội nhập kinh tế quốc tế nhất là các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời khẳng định tinh thần một Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế để vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng cơ hội, bên cạnh đó cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu của hàng hóa và uy tín Việt Nam.

Cùng với lời kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, thì cần phải hội nhập đồng bộ cả về chính trị, an ninh - quốc phòng cũng như các lĩnh vực khác với một tư duy hành động. Trong đó, các Bộ ngành và địa phương phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có hành xử đúng trong hội nhập.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước