Thủ tướng: Miền Trung, Tây Nguyên phải phát triển để ổn định

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/07/2019 19:36 GMT+7

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Đây là quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIII của Đảng với các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Sáng 12/7, tại thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk, Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có cuộc làm việc với các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Cuộc họp do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì.

10 tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 5 tỉnh, thành duyên hải miền Trung với Đà Nẵng là trung tâm. Đây được coi là vùng có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, cảng biển và nông nghiệp. Khu vực có hơn 12 triệu dân này còn nằm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Một số tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Tiểu ban Kinh tế - xã hội muốn lắng nghe ý kiến tâm huyết, thẳng thắn như cốt cách của người miền Trung về những trở ngại khiến các địa phương không phát triển được, hoặc những mô hình tốt và mới cần nhân rộng để Tiểu ban nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, mà bây giờ gọi là Phương hướng 5 năm. Đây là những văn kiện quan trọng để khẳng định trong 5-10 năm tới và tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam phải làm gì và đạt đến trình độ nào trong phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên cho rằng, sau nhiều năm, chỉ còn 5 tỉnh Tây Nguyên là chưa hình thành được vùng kinh tế. Tây Nguyên với 6 tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa cũng chưa hỗ trợ nhau phát triển. Vì thế, Tiểu ban Kinh tế - xã hội cần nghiên cứu vấn đề này. Hiện nay, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy phát triển trong khi đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung dù đã được hình thành nhưng không có cơ chế điều hành liên kết nên cũng ở tình trạng tương tự. 

Trong đó, rào cản lớn nhất làm cho liên kết vùng chưa hiệu quả chính là lợi ích kinh tế của các địa phương được phân theo địa giới hành chính. Lãnh đạo một số tỉnh kiến nghị, Tây Nguyên muốn phát triển được và kết nối được với các tỉnh duyên hải miền Trung thì phải giảm được chi phí về giao thông. Hiện cả 3 con đường từ Tây Nguyên xuống biển đều có đèo cao, nguy hiểm. Đây là yếu tố tiên quyết, nếu không phát triển giao thông thì Tây Nguyên không thể phát triển được. 

Liên kết vùng cũng phải nghiên cứu lại vì từ Đăk Nông xuống Đà Nẵng là trung tâm của Vùng dài tới 800 km, nhưng xuống TP.HCM chỉ khoảng 250km. Điều kiện phát triển của Tây Nguyên là đất rừng vì thế bằng mọi cách phải khôi phục phát triển được rừng và kinh tế rừng. Đi cùng với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp là nòng cốt, hợp tác xã là trung tâm và nông dân là chủ thể nhằm hình thành mạng lưới phân phối. Bên cạnh đó, cần phải có quy hoạch phát triển những trung tâm công nghệ cao trên địa bàn Tây Nguyên cũng như quy hoạch phát triển du lịch theo thế mạnh của mỗi vùng đi cùng với bảo tồn văn hóa, bản sắc của đồng bào ít người.

Thủ tướng: Miền Trung, Tây Nguyên phải phát triển để ổn định - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận buổi làm việc vào chiều 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quan điểm phát triển xanh, bền vừng ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Trong đó, Thủ tướng không có chủ trương phá rừng kể cả rừng nghèo để trồng cây công nghiệp mà phải thâm canh và tái canh. Bởi những năm vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên đang đối mặt với một số thách thức như phát triển cà phê, cao su, hồ tiêu vượt quy hoạch, ảnh hưởng đến nước tưới, giảm năng suất và dư thừa cung. Bên cạnh đó, việc phát triển các nhà máy thủy điện quá mức đang làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và giảm diện tích rừng đầu nguồn. Do đó, Tây Nguyên cũng như các tỉnh miền Trung cần phải phát triển bền vững.

Thủ tướng nhất trí với các đề xuất cần nghiên cứu phân vùng miền Trung và Tây nguyên hợp lý hơn, cũng như cần có cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn và cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Cùng với khôi phục, phát triển kinh tế rừng, các tỉnh cũng cần xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả, có doanh nghiệp làm nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân là chủ thể. Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, các tỉnh, thành miền Trung và Tây nguyên cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tháo gỡ nút thắt trong phát triển trong những năm tới.

11 nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên 11 nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên

VTV.vn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài đã tổng kết nhiệm vụ trọng tâm mà BCĐ cùng các Bộ ngành địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước