"Chống dịch như chống giặc", đó là mệnh lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng là hàng tít xuất hiện trên hầu hết các báo số ra tuần này. Đây là một mối lo nữa đối với nền kinh tế ngay từ đầu năm nay khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ 1 tháng trước đây và đang nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh, thành khác. Nếu dịch bùng phát trên diện rộng sẽ là tổn thất lớn đối với ngành chăn nuôi vì tỷ lệ lợn chết ở những nơi có dịch là 100%.
Tại Hà Nội, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên cách hơn 2 tuần, dịch đã lan sang 4 quận, huyện. Và thịt lợn tiêu thụ đang có dấu hiệu chậm lại. Khống chế dịch là yêu cầu cấp bách. Tại Đồng Nai, nơi có đàn lợn lớn nhất cả nước, ngành thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi tuyệt đối không được giấu dịch, đặc biệt là không được bán chạy lợn bệnh, lợn có triệu chứng bất thường. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã không cho vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam vì nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh là rất lớn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu người chăn nuôi thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán; Không giết mổ; Không vứt lợn chết ra môi trường và Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm cám cho lợn.
Trong cuộc chiến chống "giặc" là dịch tả lợn châu Phi, đương nhiên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, song cần phải chỉ rõ những mũi chủ công kèm trách nhiệm cụ thể. Đó là cơ quan thú y, là người đứng đầu chính quyền địa phương. Nơi nào để dịch lây lan, bùng phát hay kiểm soát kém hiệu quả cần phải truy tới nơi tới chốn trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan hữu trách. Sự quyết liệt ấy là kinh nghiệm rút ra từ bài học thành công trong việc chống các đại dịch nguy hiểm trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!