Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong 3 ngày vừa qua đã tạo nên một luồng gió mới để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, từ đó tạo ra những thời cơ lớn đối với cả hai nước trong nhiều lĩnh vực hợp tác, nhất là về kinh tế.
Thời cơ mới đã đến với cả Việt Nam và Thái Lan là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Kể từ nhiều năm nay, Thái Lan luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của mình trong ASEAN và trên thế giới. Minh chứng cho điều này, đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN mà Thái Lan đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Thái Lan cũng là nước duy nhất mà Việt Nam có cơ chế họp nội các chung. Chính vì thế, Chính phủ Thái Lan không chỉ dành nghi lễ cao nhất để chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà tại cuộc hội đàm hẹp và hội đàm rộng, hai Thủ tướng đã nhất trí sẽ tổ chức các cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương, họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban Hợp tác thương mại và đặc biệt là cuộc họp Nội các chung lần thứ 4 vào năm sau, để thúc đẩy và giải quyết những vướng mắc trong hợp tác. Bên cạnh đó, hai Thủ tướng còn đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước.
Theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai Thủ tướng đã thống nhất một tư duy rất có ý nghĩa đối với hợp tác giữa hai nước, đó là "từ cạnh tranh loại trừ lẫn nhau sang tư duy hợp tác để cùng tiến lên". Đây là tư duy có tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước, cũng giống như tư duy "biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường" cách đây 25 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha rằng Việt Nam chỉ cạnh tranh với Thái Lan về bóng đá, còn lại hai nước cần hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã rất hưởng ứng đề xuất này, mà biểu hiện là Chính phủ Thái Lan ủng hộ các tập đoàn bán lẻ của nước này đưa hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam vào bán trong hệ thống siêu thị của mình ở cả Việt Nam và Thái Lan. Theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các tập đoàn này sẽ mở nhà máy chế biến ở Việt Nam và đưa hàng hóa của Việt Nam ra các nước ASEAN khác. Đây là cách mà Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.
Với tinh thần biến canh tranh thành hợp tác, ngay trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Central Group đã khai trương tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan trong hệ thống bán lẻ của mình. Bằng cách này, Việt Nam bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn nhất Thái Lan. Đây là một trong những phương cách để có thể sớm đưa kim ngạch thương mại song phương dự kiến đạt 13 tỷ USD của năm nay về đích 20 tỷ USD trước năm 2020, đây cũng là các giảm nhập siêu từ phía Việt Nam. Việc có tới 500 nhà doanh nghiệp Thái Lan tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế, so với hơn 200 doanh nghiệp như dự kiến ban đầu đã cho thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Thái Lan đối với cơ mới về đầu tư và thương mại với Việt Nam đang được mở ra.
Các học sinh học tiếng Việt của Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom - Hà Nội, thế hệ thứ 4 của những người Thái gốc Việt ở các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan đã dành những tình cảm rất thân thiết để đón chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tình cảm mà theo Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Cao Văn San, cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan coi chuyến thăm của Thủ tướng như đại diện cho người mẹ Tổ quốc sưởi ấm cho những người con trung hiếu. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chuyến thăm của Thủ tướng đã mở ra chương mới về quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan, qua đó địa vị pháp lý của kiều bào sẽ tiếp tục được khẳng định và củng cố.
Sau Lào và Campuchia, Thái Lan là nước ASEAN thứ 3 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức. Dùc chỉ kéo dài 48 giờ với trên 30 hoạt động, chuyến thăm này không chỉ tiếp đà cho mối quan hệ đối tác chiến lược mà còn tạo ra thời cơ mới và cơ hội mới cho đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước.
Đặc biệt, với niềm tin chính trị ngày càng được củng cố không chỉ giúp giải quyết những vấn đề tồn tại cuối cùng của Việt kiều, mà còn tạo thêm cơ hội để các doanh nhân Việt kiều kết nối quan hệ kinh tế giữa vùng Đông Bắc Thái Lan - miền Trung của Lào và miền Trung của Việt Nam. Một cơ hội chưa bao giờ có trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!