Tiền công đức sẽ “trôi nổi” về đâu?

Việt Hùng-Thứ hai, ngày 04/03/2013 11:05 GMT+7

Ỏ chùa Báo Ân, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cứ cách 2m – 3m lại đặt một hòm công đức. (Ảnh: SGTT)

Hòm công đức “bủa vây” là thực tế dễ nhận thấy ở nhiều di tích đền chùa dịp đầu năm. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là không biết những đồng tiền công đức sẽ “trôi nổi” đi đâu? Ai là người kiểm soát?

“Đi xuân đi lễ may", đó là câu thành ngữ quen thuộc đối với hầu hết mọi người mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây cũng là dịp để người ta tỏ lòng thành kính đối với các bậc thần linh, tiền nhân với mong ước được các ngài phù hộ cho một năm mới nhiều may mắn. Đó cũng là lý do vì sao phần lớn mọi người đều tranh thủ làm công đức trong mỗi dịp lễ hội đầu xuân.

“Năm nào tôi đi lễ đầu năm tôi cũng xin công đức, gọi là có chút lòng thành dâng lên Đức Phật. Còn thật sự số tiền ấy được sử dụng như thế nào tôi cũng không thể biết được. Chỉ mong là số tiền ấy được sử dụng vào những việc thật sự có ý nghĩa thôi”, bà Phạm Thị Minh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Mỗi năm, với hàng chục triệu lượt người tham gia lễ hội đầu xuân tổng số tiền công đức thu được không phải là “một chút lòng thành” nữa, mà thực tế số tiền thu được sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Với một số tiền công đức lớn như vậy đã khiến cho không ít ban quản lý lễ hội và di tích đã tranh thủ tận thu, số lượng hòm công đức và các điểm ghi nhận công đức vì thế cũng được bố trí một cách tràn lan, đặc biệt đỉnh điểm có di tích bố trí tới 95 hòm công đức. Con số này đã vượt xa quy định của Bộ Văn hóa là chỉ cho phép mỗi điểm di tích đặt 3 hòm công đức.

“Việc bố trí hòm công đức và điểm tiếp nhận công đức đến mức phản cảm như vậy, khiến mọi người cảm thấy rằng dường như các ban quản lý lễ hội và di tích đang bóc lột thần linh một cách quá đáng”, Giáo sư Trần Lâm Biền bức xúc.

Khi đi lễ hội đầu năm, việc công đức là nét văn hóa đẹp mà bất kể người dân nào cũng muốn tham gia, việc bố trí hòm công đức và điểm ghi nhận công đức thuận tiện cho mọi người thật ra cũng là điều nên làm. Nhưng điều đáng buồn là ở chỗ phần lớn số tiền công đức khổng lồ rồi sẽ đi về đâu, chúng có thật sự được sử dụng cho những việc làm có ý nghĩa và tốt đẹp hay không.

“Về lâu về dài theo tôi, Bộ Văn hóa phải phối hợp với Bộ Tài Chính, Ban Tuyên giáo Trung ương ra một thông tư quy định rõ quyền quản lý và sử dụng số tiền công đức. Có như vậy, số tiền công đức của bà con mới được sử dụng đúng mục đích là để tu bổ, tôn tạo chính di tích ấy được”, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL nói.

Theo Bộ Văn hóa, hiện nay việc quản lý tiền công đức tại đền Cửa Ông Quảng Ninh là một mô hình đáng được nhân rộng, bởi số tiền công đức của nhân dân đã được công khai hóa, gửi vào tiết kiệm để đem ra sử dụng trong những dịp trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy vậy, đền Của Ông chỉ là một điểm sáng hiếm hoi, bởi vì hầu khắp các điểm di tích hiện nay, vẫn chẳng một ai biết được những đồng tiền công đức cuối cùng đi về đâu ngoài những người tham gia quản lý di tích.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước