Liên thông xét nghiệm có thể hiểu là việc cơ sở khám chữa bệnh này sẽ công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nếu giảm được 1% số xét nghiệm/năm với trung bình 50.000 đồng/xét nghiệm sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 237 tỷ đồng.
Mới đây, những ích lợi của việc liên thông kết quả xét nghiệm cũng được chỉ ra tại một hội nghị do Bộ Y tế tổ chức chiều 26/6, tại Hà Nội. Hội nghị nhằm đưa ra những tiêu chí đánh giá và xếp hạng chất lượng các phòng xét nghiệm tại các bệnh viện, tiến tới liên thông kết quả xét nghiệm, giảm chi phí và thời gian cho người bệnh.
Dựa trên bộ tiêu chí đã được xây dựng, 40 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm trong năm nay với các bệnh viện hạng nhất chậm nhất là ngày 1/1/2018.
Sau khi phân tích, đánh giá, Bộ Y tế sẽ cho phép liên thông khoảng 100 loại xét nghiệm. Đây là những xét nghiệm cơ bản về sinh hóa, vi sinh… giữa các bệnh viện Trung ương. Tuy nhiên, để chuẩn bị quá trình liên thông kết quả xét nghiệm, các phòng xét nghiệm phải được đánh giá chất lượng, tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm chất lượng thiết bị. Trong nhiều trường hợp, việc liên thông kết quả phải tính đến thời hạn sử dụng xét nghiệm và tình trạng người bệnh.
Theo lộ trình, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!