Chiều 23/4, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội 13 của Đảng đã làm việc với TP Hà Nội và 12 tỉnh thành phố phía Bắc nhằm ghi nhận ý kiến của các địa phương này về Đề cương Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trình Đại hội 13. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiêu ban Kinh tế - Xã hội chủ trì phiên họp.
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã nghe 13 địa phương báo cáo về những thành tích và cả những tồn tại, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho giai đoạn tới. Nhiều nút thắt về thể chế cần tháo gỡ cũng đã được các địa phương kiến nghị với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Tiểu ban sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với việc lấy ý kiến của các địa phương khác trên cả nước để phục vụ việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 13. Bên cạnh đó, Tiểu ban cũng đã đặt hàng nghiên cứu 41 chuyên đề trong các lĩnh vực làm cơ sở để xây dựng đề cương chi tiết trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5 và sau khi có ý kiến đóng góp đầy đủ của các cơ quan, Tiểu ban sẽ tiếp tục trình Hội nghị Trung ương 11 báo cáo đầy đủ hơn vào cuối năm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng, vị trí chiến lược của 13 địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh trong sự phát triển của đất nước; đồng thời đánh giá cao các địa phương đã hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong phát triển kinh tế đã chú trọng đến yếu tố môi trường, không phát triển bằng mọi giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ hệ thống chính sách, thể chế vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, bộ máy chính quyền ở một số nơi vẫn còn quan liêu và tất cả những điều này đều gây khó cho người dân. Vì vậy, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu phát triển phải do con người, vì con người và lấy con người làm trung tâm. Phải quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống người dân đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong thời gian tới, Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi địa phương phải tự cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, tránh dựa dẫm, trông chờ ỷ lại để phát triển địa phương mình, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!