Trước tình hình ngập lụt liên tục tại Hà Tĩnh sau các đợt mưa lũ vừa qua, ngày 3/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện kế hoạch điều tra vết lũ nhằm tìm ra giải pháp giảm thiểu ngập lụt cho các vùng hạ du.
Xác định vị trí, độ sâu, phạm vi ngập lụt, đánh dấu vết lũ. Đó là những nội dung triển khai của đoàn công tác với mục tiêu lập bản đồ ngập lụt nhanh cho lưu vực hệ thống sông La - sông Lam trên địa bàn Hà Tĩnh. Trên cơ sở đó sẽ sơ bộ xác định nguyên nhân ngập lụt nghiêm trọng ở các địa phương này.
Với những xã ngập sâu ở Hương Khê, thực tế lâu nay cho thấy việc phòng tránh lũ, từ chính quyền đến người dân dựa vào cảm quan là chính, tức là nước đến đâu thì chạy lũ đến đó. Vì vậy, việc cảnh báo mức độ ngập lụt dựa vào thông tin dự báo thời tiết cũng chỉ mang tính chất tương đối.
Rõ ràng việc không có bản đồ ngập lụt gây không ít khó khăn cho người dân cũng như chính quyền địa phương trong công tác phòng tránh lũ, bởi khi không có thông tin và hướng dẫn cụ thể về tình hình ngập lụt do lũ gây ra, ảnh hưởng tới người và của là điều khó tránh khỏi.
Ngoài việc tìm giải pháp giảm thiểu ngập lụt, đoàn công tác cũng đã kiểm tra an toàn hồ chứa. Bởi, dù đã liên tục xả lũ trong 3 ngày qua nhưng do mưa từ thượng nguồn vẫn lớn nên để đảm bảo an toàn nhiều hồ chứa và nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục phải xả tràn.
Tại buổi làm việc với Tỉnh Hà Tĩnh, Đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã yêu cầu địa phương này cần đánh giá mức độ ngập lụt của vùng hạ du hồ chứa để điều tiết nước hợp lý, không làm căng thẳng thêm tình trạng ngập úng ở các địa phương. Đồng thời, cảnh báo sớm cho các địa phương về mức độ xả lũ để chủ động phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!