Năm nào tàu cá cũng được kéo lên bờ để sửa, làm biển trong suốt 1 năm nhưng nhiều khi ngư dân không tích cóp đủ tiền để mua gỗ, trả tiền công cho thợ sửa tàu. Tàu cá được sửa xong, đến ngày mở biển, ngư dân lại tiếp tục chạy vạy ngược xuôi để lo cho đủ các chi phí. Tính chung chi phí cho 1 chuyến biển 20 ngày xấp xỉ 150 triệu đồng, thêm một lần nữa họ lại phải vay tiền nóng.
Khi vay tiền nóng, cứ 1 triệu đồng người dân phải trả ít nhất 50.000 đồng, cao thì lên đến 70.000 - 80.000 đồng, gấp cả chục lần so với lãi vay ngân hàng. Dạng thức tín dụng đen này khá phổ biến ở các làng biển và kéo dài từ năm này đến năm khác.
Có một nghịch lý kéo dài từ nhiều năm qua là ai cũng biết rõ nếu dính vào tín dụng đen đồng nghĩa cuộc sống rơi vào ngõ cụt, nhưng vẫn có những người tìm đến tín dụng đen. Ở biển không thể không làm nghề biển, để làm biển thì cần vốn. Con đường cuối cùng là ngư dân buộc phải đến với tín dụng đen và kết cục là nhiều ngư dân phải rao bán tàu để trả nợ. Do đó, cần có những giải pháp tín dụng phù hợp từ phía các ngân hàng cho ngư dân để họ không phải tìm đến tín dụng đen. Mong mỏi của ngư dân là vậy, nhưng đến lúc này, đây vẫn là một khoảng trống ở vùng biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!