Trong những năm qua, Đảng đã có nhiều chủ trương về xây dựng tổ chức bộ máy của tổ chức chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tuy nhiên, qua nhiều lần thực hiện các nghị quyết của Đảng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng nhiệm vụ chồng chéo; hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp tinh gọn bộ máy?
Chưa bao giờ vấn đề giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy lại được quan tâm như hiện tại. Hầu như ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, nói tới vấn đề này đều nghe thấy cụm từ: Khó làm, nhạy cảm. Nhưng không có việc gì để đạt được thành công, mang lại hiệu quả thiết thực, mà lại dễ cả.
Một huyện tinh gọn được trên 50 biên chế và tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng cho ngân sách mỗi năm. Chưa kể khối các Bộ, ngành Trung ương, riêng những mô hình phù hợp được áp dụng ở 63 tỉnh thành, với khoảng 700 đơn vị cấp huyện và hơn 11.000 đơn vị cấp xã thì con số sẽ lớn thế nào? Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2021, nếu giảm được 10% biên chế thì ngân sách tiết kiệm được 70.000 tỷ đồng. Đó mới là con số nhìn thấy, đằng sau đó là những hiệu quả to lớn về việc các đầu mối được tinh gọn, không bị chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý và uy tín bộ máy hành chính Nhà nước. Tuy nhiên rất tiếc, đến nay những đơn vị làm được điều này chưa nhiều. Trên thực tế, càng tinh giản càng Bộ máy của chúng ta càng phình to.
Tính đến tháng 6 năm 2017, cả nước có 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI. Số lượng các Cục, vụ, các phòng tăng từ 4,7% đến 13,6% so với năm 2011. Đặc biệt, tổng số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước đến nay đã đạt con số gần 4 triệu người, tăng hơn 96.000 người so với 2 năm trước. Bộ máy lớn, tiêu tốn tới 65% ngân sách. Theo nhiều chuyên gia nếu trừ chi cho trả nợ, chi cho quốc phòng an ninh, ngân sách hiện tại gần như không còn dư địa để chi cho đầu tư phát triển.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!