Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa 8) về "Chiến lược cán bộ - thời kỳ - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa 9) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Quy định của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh mục đích của việc luân chuyển cán bộ là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn "tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen..."; Việc luân chuyển phải tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp và cán bộ cấp chiến lược, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Quy định của Bộ Chính trị yêu cầu: Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ phải kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện - không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Quan điểm và nguyên tắc về luân chuyển cán bộ, đó là phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức Đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy "vai trò, trách nhiệm" của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; đáp ứng yêu cầu chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
Việc luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ.
Quy định của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt; phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.
Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; đồng thời có quy định quản lý, giám sát cán bộ luân chuyển. Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ: Đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện; chủ yếu bố trí làm cấp phó.
Cán bộ luân chuyển 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!