Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VOV.
Sáng nay (16/7), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120 Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong 20 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, cũng như thực hiện các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị được coi là một khâu quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, nhấn mạnh việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép, áp đặt một cách thô bạo".
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như các tham luận của các đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cho thấy trong 20 năm qua, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân đặt trong tổng thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong 20 năm qua được triển khai một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước. Nhiều khó khăn được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như: Vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai thu hồi đất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các tập thể đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, đối phó, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, để từ đó chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu để quyền làm chủ của nhân dân thực sự được phát huy thì các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.
Tổng Bí thư cũng cho rằng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Tổng Bí thư phân tích một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, đó chính là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị.
Nhấn mạnh những thành tựu của đất nước trên mọi mặt của đời sống xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định không được chủ quan mà hơn lúc nào hết, càng phải nêu cao cảnh giác, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm giữ vững sự ổn định của đất nước, nhất là từ cơ sở và chính ở cơ sở. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm nặng nề của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, của người đứng đầu, của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu sẽ nêu cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quá trình đưa ra các chủ trương, chính sách liên quan đến cuộc sống, lợi ích của nhân dân; đảm bảo dân chủ đi đôi với kỷ cương, pháp luật, đề cao trách nhiệm công dân và đạo đức xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!