Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm và định hướng nhất quán của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đây cũng là lần đầu tiên một hội nghị quy mô lớn nhất về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được tổ chức, tiền để để Bộ Chính trị ban hành chủ trương mới về phát triển khu vực kinh tế rất quan trọng này đối với đông đảo người dân.
15 năm sau Đổi mới là một chặng đường đầy khó khăn đối với phong trào hợp tác xã, từ chỗ 73.000 hợp tác vào năm 1986, một thập niên sau chỉ còn 17.000 hợp tác xã. Trong đó, đa phần chỉ tồn tại hình thức.
Sau 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã đầu tiên, năm 2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có luận cứ để thông qua Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, với nhiều tư duy mới. Nếu doanh nghiệp hình thành từ những người có nhiều vốn hợp tác lại thành công ty cổ phần, thì hợp tác xã dựa trên nguyên tắc hợp tác tự nguyện, bình đẳng và đồng sở hữu của những người ít vốn, yếu thế. Đây không phải là hội buôn, hay tổ chức từ thiện, mà là nơi người dân góp vốn, góp công để cùng sản xuất, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Thực tiễn gần đây cho thấy, nếu không có hợp tác xã thì khó có thể tái cơ cấu được nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ra đời vào thời điểm 10 hộ triệu nông dân chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn và tham gia vào các chuỗi giá toàn cầu, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã đã 2 lần được sửa đổi.
Cả nước có trên 100.000 tổ hợp tác, thu hút trên 1,3 triệu người tham gia, cùng 23.000 hợp tác xã cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Hiện các hợp tác xã có 6 triệu thành viên và đang tạo ra việc làm cho 1,2 triệu lao động. Đây là nòng cốt của khu vực kinh tế tập thể, hiện đang đóng góp gần 4% trong nền kinh tế có quy mô gần 300 tỷ USD của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, cần phải nhìn thẳng vào thực tế là kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đạt được như yêu cầu của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách đây 15 năm đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định. Đóng góp của khu vực này vào Tổng sản phẩm trong nước của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm. Đây là điều phải đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân đầu tiên là do chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để các hợp tác xã mở rộng liên doanh, tăng quy mô và phát triển hoạt động kinh tế chia sẻ, bảo vệ quyền lợi của các thành viên hợp tác xã, dẫn đến sự hoài nghi về tính minh bạch của chính sách. Khả năng thành công của hợp tác còn bị đè nặng bởi sự thất bại của phong trào hợp tác xã kiểu cũ trước đây. Chưa kể, các hợp tác xã còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn, xử lý mối quan hệ về đất đai và không nhận được hỗ trợ về đào tạo quản lý.
Cùng với yêu cầu các bộ giải quyết các vấn đề cấp thiết của hợp tác xã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm, định hướng nhất quán của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta như trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung 2011, đó là "Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".
Thủ tướng nhấn mạnh, rất nhiều mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác thành công trong cả nước, điển hình hội quán ở Đồng Tháp, hợp tác xã y tế ở Quảng Nam và Liên hiệp Hợp tác xã mua bản Thành phố Hồ Chí Minh đã củng cố niềm tin về đổi mới cách làm, cách chỉ đạo phát triển hợp tác xã. Bởi kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là nơi tập hợp các nguồn lực nhỏ, để tạo thành nguồn lực lớn có sức mạnh giúp các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn. Hợp tác xã cũng là nơi để các hộ kinh tế nhỏ vững vàng hơn trước các biến động của thị trường, thiên tai và dịch bệnh, làm tiền đề cho các hộ cá thể liên kết sản xuất lớn, nhưng đây phải là mô hình hợp tác xã kiểu mới chứ không phải đánh kẻng, ghi điểm như trước đây.
Từ những ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn phát triển hợp tác xã diễn ra trong sáng nay (14/10) và hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã theo hướng, bảo đảm lợi ích của các thành viên và của hợp tác xã, đi cùng với thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp.
Trao Huân chương lao động và bằng khen của Thủ tướng cho các cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã và liên minh hợp tác xã Việt Nam và nhiều địa phương, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" đối với khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, giống như đối với doanh nghiệp. Còn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần được củng cố để đủ sức dẫn dắt sự phát triển của phong trào hợp tác xã thông qua "Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá".
Thủ tướng cũng yêu cầu từ đầu nhiệm kỳ này đối với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là không được chậm trễ hơn nữa trong việc trình Chính phủ một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!