TP.HCM: Bình ổn giá thuốc còn nhiều khó khăn

Thanh Tâm-Thứ năm, ngày 14/03/2013 17:59 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

 Năm 2013, chương trình bình ổn giá thuốc đã phủ gần hết thị trường bán lẻ trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, thuốc bình ổn giá chưa thực sự được bác sĩ và bệnh nhân chọn lựa.

Với 85 loại thuốc nằm trong danh mục bình ổn giá năm 2012 và 2013, chương trình bình ổn giá thuốc do UBND TP.HCM chủ trương đã phủ gần hết thị trường thuốc bán lẻ trên địa bàn TP với hơn 2.000 nhà thuốc tư nhân, doanh nghiệp và hơn 100 nhà thuốc bệnh viện tham gia.

Theo báo cáo của Tổ chức giám sát doanh nghiệp thế giới (BMI), dự kiến trong năm 2013, cả nước sẽ chi khoảng 1,7 tỷ USD cho dược phẩm, trong đó giá trị thị trường thuốc kê đơn, ước đạt 1,45 tỷ USD chiếm khoảng 73,2% thị trường dược phẩm.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát khác thì hiện nay tỉ lệ thuốc bình ổn giá nói riêng và thuốc nội nói chung tại các nhà thuốc trong bệnh viện còn thấp chỉ chiếm 10 - 30%. Điều này có nghĩa, giá trị thuốc kê đơn là thuốc nội chiếm tỉ lệ rất thấp trong số 1,7 tỷ USD mà người dân cả nước đã chi hằng năm cho dược phẩm.

Dược sĩ Nguyễn Thanh Hà, nhà thuốc quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Đa số người dân nghèo chấp nhận thuốc nội vì giá rẻ còn những người giàu, có tiền thì chỉ thích sử dụng thuốc ngoại”.

Không chỉ người dân thiếu thông tin mà tin tưởng vào thuốc ngoại, nhiều bác sĩ vẫn được “bắt tay kê toa thuốc ngoại” để có hoa hồng cao. Không ít nhà thuốc thừa nhận bán thuốc nội hay thuốc bình ổn thì lợi nhuận thấp hơn bán thuốc không bình ổn giá, thuốc nhập khẩu vì được chiết khấu cao hơn, trung bình 20% - 25%. Còn các hãng dược bán thuốc bình ổn giá chỉ cho chiết khấu 10% - 15%.

Bên cạnh đó, một số bệnh viện chuyên khoa viện lý do là thuốc bình ổn không có thuốc đặc trị nên tỉ lệ thuốc nội trong các nhà thuốc bệnh viện còn thấp.

Bà Nguyễn Thị Châu Oanh, Phó Tổng Giám đốc công ty CP dược phẩm 2/9 cho rằng: “Cần khuyến khích bác sĩ kê toa để thuốc Việt phát huy được thế mạnh, những loại thuốc đặc trị về tim mạch, tiêu hóa của Việt Nam đã có nhưng rõ ràng chỉ có bác sĩ là nguời tư vấn làm cho người bệnh tin tưởng nhất”.

Để mục tiêu lớn nhất của chương trình là đem thuốc Việt đến được tay người bệnh, nếu chỉ vận động, tuyên truyền sự tham gia ủng hộ của người bệnh và đội ngũ y bác sĩ thì chưa đủ mà cần sự kiểm tra, giám sát việc kê toa và sử dụng thuốc nội trong các bệnh viện viện hiện nay. Ngành y tế cũng cần công bố chất lượng thuốc Việt hiện nay so với thuốc ngoại cùng hoạt chất, hàm lượng để người dân biết và sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị: “Nên tổ chức nhiều hội thảo để các chuyên gia trong ngành hiểu hơn về thuốc nội so với thuốc ngoại để bác sĩ cũng như người dân biết rõ hơn về thuốc Việt và yên tâm sử dụng thuốc Việt”.

Bình ổn giá thuốc là một chương trình ý nghĩa giúp người bệnh giảm bớt chi phí điều trị. Nhưng làm sao để người bệnh mua được thuốc bình ổn và tin tưởng trong sử dụng thuốc bình ổn thì vẫn còn nhiều bất cập.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước