Tại Hội thảo quốc tế "Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tổ chức đầu tuần tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), câu chuyện hợp tác công tư trong quản lý di sản được bàn thảo nhiều nhất. Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Tràng An (Ninh Bình) là minh chứng sinh động cho mô hình hợp tác công tư hiệu quả. Từ một vùng đất ô nhiễm nặng bởi xi măng, Ninh Bình trở thành điểm sáng cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch và đứng đầu 50 điểm đến tốt nhất thế giới nên ghé thăm năm 2018 do chuyên trang du lịch "This is insider" của Mỹ bình chọn.
4 năm sau khi trở thành di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO đánh giá là cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý di sản. Các tuyến mới tham quan hang động và di tích liên tục được mở rộng để khách không tập trung quá đông tại một điểm di sản. Hàng nghìn lái đò ở đây vừa làm người chở khách, kiêm hướng dẫn viên và tham gia gìn giữ môi trường, với thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây. Hợp tác công tư đã đem lại sự chuyên nghiệp, bài bản trong quản lý di sản thế giới, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng.
6 tháng đầu năm nay, Ninh Bình đã đón 5,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt khách lưu trú qua đêm tăng gần 12%. "Tam Cốc mùa lúa chín" hay "Tràng An mùa rong rêu" là những cảnh quan, văn hóa di sản được giữ gìn bởi sự thay đổi nhận thức và hành động của chính con người nơi đây.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!