Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/05/2017 14:08 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần qua, một số tờ báo cho rằng dự án bus nhanh BRT đã thất bại, tuy nhiên một số khác lại cho rằng BRT đang dần thu hút hành khách sử dụng.

Đề tài về dự án xe bus nhanh BRT Hà Nội lại một lần nữa nóng lên trên mặt báo, khi Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết đơn vị này đang tổ chức khảo sát, xây dựng phương án thí điểm cho xe bus thường đi vào làn dành riêng cho xe bus nhanh.

Theo tờ Người lao động, đề xuất này một lần nữa khẳng định những nghi ngại từ phía người dân và chuyên gia giao thông về tính hiệu quả của tuyến xe bus nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa được đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng.

Báo Hà Nội mới: Khai thác tối đa năng lực hạ tầng

Giải thích về đề xuất này, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng vẫn còn khoảng thời gian phù hợp để cho xe bus thường chạy vào làn đường xe bus nhanh. Bên cạnh đó, việc để bus thường hoạt động cùng xe bus nhanh sẽ tăng mật độ xe trong làn đường dành riêng và giảm áp lực giao thông cho phần đường còn lại.

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 1.

Báo Người lao động: Xe bus nhanh vẫn ì ạch

Có ý kiến cho rằng, khó khăn của dự án xe bus nhanh đã được cảnh báo trước. Hiện nay, xe bus nhanh không nhanh như dự kiến. Trong khi không gian dành cho xe bus nhanh thừa nhiều, các làn xe khác lại đang bị áp lực rất lớn.

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 2.

Trong khi ý kiến khác cho rằng: hạ tầng xe bus nhanh không thiết kế cho xe bus thường. Phương tiện này mở cửa bên phải, trong khi làn xe bus nhanh mở bên trái. Do đó, khi xe bus thường đi vào làn xe bus nhanh thì phải đi vòng ra lề đường bên phải để đón trả khách, dẫn đến xung đột giao thông với các phương tiện cùng chiều.

Báo Lao động: Dự án BRT Hà Nội thất bại

Tờ Lao động đăng tải bài viết của ông Karl Fjelstrom - một trong số những chuyên gia chính đã lên kế hoạch, thiết kế và triển khai thành công hai hệ thống xe bus nhanh của châu Á ở Trung Quốc đánh giá về dự án xe bus nhanh tại Hà Nội.

Ông này cho rằng: "Bản thân các tính năng chủ chốt của dự án xe bus nhanh ở Hà Nội đã có những vấn đề và khiếm khuyết sâu xa". Trước hết, việc lựa chọn hành lang chạy song song với các tuyến tàu điện trên cao, sẽ khiến lượng khách đi xe bị thấp đi nhiều khi tuyến tàu điện này được mở. Bên cạnh đó, năng lực nhà chờ của tuyến xe bus nhanh Hà Nội rất thấp, giả sử có chạy hết tần suất thì năng lực chuyên chở vẫn kém hơn nhiều so với làn giao thông hỗn hợp.

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 3.

Trong vai hành khách đi xe bus, phóng viên Báo Lao động đã tiến hành khảo sát thực tế hai tuyến bus nhanh và bus thường với cùng điểm xuất phát tại Kim Mã và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa. Kết quả là bus nhanh... chậm hơn bus thường.

Báo Lao động: Bus nhanh chậm hơn bus thường

Cùng khung giờ cao điểm 17h, phóng viên lên 2 xe bus nhanh và bus thường. Xe bus nhanh chờ 34 người, do nhiều phương tiện đã lấn sang đường xe bus nhanh khiến chiếc xe liên tục phải bóp còi. Hành trình của tuyến bus nhanh từ bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa mất 50 phút. Trong khi đó, xe bus thường chở 60 người. Dù không được ưu tiên đường riêng nhưng chiếc xe này di chuyển khá đều. Đến 17h50, chiếc xe bus này đã về tới bến xe Yên Nghĩa. Nghĩa là chỉ mất 41 phút.

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 4.

Có lẽ còn quá sớm để đặt vấn đề đầy đủ về dự án xe bus nhanh ở Hà Nội, tuy nhiên theo tờ Người lao động, thời gian 3 tháng cũng đủ để nhìn nhận cơ bản về hoạt động xe bus nhanh

Báo Người lao động: Muốn nhanh cần từ từ

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 5.

Theo tờ Người lao động, bus nhanh đúng là phương tiện giao thông công cộng của đô thị hiện đại nhưng chỉ vận hành hiệu quả khi có điều kiện và hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong khi đó, bus nhanh ở Hà Nội hiện nay mới chỉ "đơn thương độc mã" một tuyến đường dài khoảng 14 km và cũng mới chỉ vận chuyển được 13.600 lượt hành khách/ngày, đáp ứng quá nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân. Những gì mà bus nhanh BRT thể hiện hơn 3 tháng qua chưa tương xứng với số tiền đầu tư 55 triệu USD (hơn 1.100 tỉ đồng) cũng như những đặc quyền ưu tiên mà phương tiện giao thông này được hưởng.

Đáp trả lại những ý kiến nghi ngại, trên tờ Hà Nội mới, đơn vị đề xuất xe bus thường đi vào làn xe bus nhanh cho rằng, xe bus nhanh mới đi vào hoạt động từ đầu năm đến nay, lượng hành khách đạt trung bình hơn 40 người/lượt xe "không phải là quá tồi" và "Hiệu quả của một tuyến vận tải hành khách công cộng phải được đánh giá qua một giai đoạn nhất định chứ không thể qua vài tháng hoạt động.

Trong khi đó, tờ Kinh tế đô thị cũng không đồng tình với quan điểm xe bus nhanh Hà Nội không hiệu quả. Tờ báo khẳng định, sau 3 tháng, bus nhanh Hà Nội đã thành công.

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 6.

Đánh giá này dựa trên sức hút của xe bus nhanh ngày càng tăng đối với hành khách nhờ sự thuận tiện và đáp ứng thời gian di chuyển thấp hơn hoặc tương đương xe cá nhân. Hơn 23% người dân trên tuyến đường đã chuyển từ xe cá nhân, xe ôm, taxi… sang sử dụng xe này. Đến thời điểm này, tuyến bus nhanh Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển hơn 1,2 triệu lượt hành khách và lượng khách vẫn tiếp tục tăng chứ không giảm. Lượng hành khách giờ cao điểm đạt gần 76 hành khách/lượt; thậm chí có chuyến 90 hành khách/lượt.

Trên tờ Giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông chia sẻ, muốn phát triển vận tải hành khách công cộng phải quyết liệt, mạnh dạn. "Cứ ngồi một chỗ hồ nghi, tính toán sẽ không giải quyết được gì cả và chả biết đến bao giờ thành phố mới có nổi một phương tiện công cộng hiện đại, hiệu quả", ông Nguyễn Trọng Thông nhấn mạnh.

Báo Giao thông: Sự thật BRT vắng khách

Tranh cãi về hiệu quả của xe bus nhanh BRT Hà Nội: Chưa có hồi kết - Ảnh 7.

TS. Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho rằng: nếu bảo chưa hiệu quả cũng đừng nên trách bus nhanh mà có chăng là cách làm "nửa vời" của chính quyền khiến người dân có kỷ luật nửa vời. "Ra đường vẫn thấy làn riêng của bus nhanh bị rất nhiều phương tiện len vào mà chả mấy người bị phạt. Tôi không chấp nhận việc phương tiện cá nhân luồn vào sau các xe bus nhanh", ông Bình nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước