Đây là dự án có tính chất quan trọng khi khối lượng diện tích đất phải tẩy rửa rất lớn, gấp 3 lần diện tích tại sân bay Đà Nẵng và cũng là vấn đề mới chưa từng có từ trước đến nay tại Việt Nam. Thăm và kiểm tra dự án xử lý triệt để chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa vào sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, để giải quyết được vấn đề này cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng với diện tích khoảng 52ha. Dự án xử lý triệt để chất hóa học dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 sẽ được thực hiện trong vòng 10 năm từ nguồn kinh phí của Mỹ. Điều khiến nhiều người quan tâm nhất hiện nay là việc sử dụng công nghệ nào trong dự án này để thực sự hiệu quả và tiết kiệm, vì công nghệ từng được sử dụng tại sân bay Đà Nẵng vẫn phải qua khâu đưa ra nước ngoài để xử lý.
Nhấn nút thử nghiệm thực hiện công nghệ xử lý chất độc hóa học của Nhật Bản tại khu Z1, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, kết quả từ việc vận hành thử nghiệm này cùng với bài học từ dự án sân bay Đà Nẵng là kinh nghiệm để Ban quản lý vận dụng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thăm và tặng quà cho các cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 370 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, đồng thời kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của phi đội Su-30 MK và tham quan một số khí tài tại sân bay Biên Hòa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!