Lễ công bố Bản ghi nhớ hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai giữa Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (CTET) trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) đã diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội.
Tại lễ công bố, đại diện Tập đoàn Shimizu giới thiệu công nghệ rửa đất xử lý môi trường ô nhiễm dioxin. Công nghệ này là sự kết hợp giữa công nghệ tẩy rửa đất và công nghệ đốt.
Ông Sekiguchi Takeshi - Giám đốc điều hành Tập đoàn Shimizu, Nhật Bản cho biết: "Tập đoàn Shimizu đã nghiên cứu, phát triển và triển khai công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin cách đây 15 năm, chúng tôi đã có nhiều dự án cụ thể thực hiện ở Nhật Bản, rất mong muốn có thể ứng dụng công nghệ này giúp đỡ cho Việt Nam. Ưu điểm của công nghệ này ngoài việc rửa đất để làm cho đất không dính chất ô nhiễm nữa thì 1 phần nhỏ chất không xử lý được sẽ được đốt và như vậy đất sẽ hoàn toàn vô hại, đó là thế mạnh của công nghệ này".
Theo kế hoạch, một nhà máy tẩy rửa đất với công suất tối đa 40 tấn/giờ sẽ tiến hành thử nghiệm làm sạch đất trong khu vực sân bay từ đầu tháng 1/2019 đến hết tháng 4/2019.
Tập đoàn Shimizu sẽ đảm nhận việc xây dựng và vận chuyển, lắp ráp, quản lý vận hành nhà máy tẩy rửa và tiến hành thực nghiệm tẩy rửa tại hiện trường. Bộ Quốc phòng sẽ đảm nhận việc chuẩn bị mặt bằng, cải thiện cơ sở hạ tầng xung quanh và các phần việc khác.
Theo Tiến sĩ Võ Thành Vinh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, Bộ Quốc phòng: "Đây cũng là một trong những hướng công nghệ mà chúng tôi hy vọng rất phù hợp nhất là về chi phí, thứ hai là nguy cơ ảnh hưởng thứ cấp đến môi trường cũng rất thấp. Hy vọng sự kết hợp công nghệ này với công nghệ hiện có sẽ lựa chọn được công nghệ tối ưu nhất để tìm ra lời giải cho bài toán Dioxin ở Việt Nam.
Chính phủ đưa ra mục tiêu làm sạch các vùng đất ô nhiễm trên toàn quốc từ nay đến năm 2030. Hiện nay, Biên Hòa là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại, nếu được lựa chọn, công nghệ rửa đất của Tập đoàn Shimizu được kỳ vọng sẽ khử được trên 90% dioxin trong đất và khôi phục gần 70% vùng đất bị nhiễm độc để đưa về trạng thái sử dụng được.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!