Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định này, diễn ra tại Hà Nội sáng nay (15/12), các đại biểu đã nêu ra nhiều vướng mắc còn tồn đọng trong việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, vấn đề sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng.
10 năm sau khi quyết định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy đi vào cuộc sống, theo số liệu từ các cơ quan chức năng thì tỷ lệ người dân chấp hành đạt hơn 90%. Điều này đã góp phần kéo giảm số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm, đồng thời cũng đã hạn chế được nhiều thương tích nặng như chấn thương sọ não.
Còn theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ phòng chống thương vong châu Á cho thấy 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng đội mũ bảo hiểm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ cho trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất do tai nạn giao thông lại vẫn ở mức thấp, chỉ 35-40%.
Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái kiểu dáng mũ bảo hiểm vẫn còn phổ biến. Đây vẫn là những vấn đề còn tồn tại, cần các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trong thời gian tới. Và điều quan trọng mỗi người tham gia giao thông cũng phải tự nhận thức được đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn là đảm bảo an toàn cho chính bản thân mỗi người, đặc biệt đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chính là trách nhiệm của người lớn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!