TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.
Nhận định về ca bệnh số 251 (BN251) đã điều trị khỏi COVID-19 nhưng tử vong sau đó do bệnh xơ gan giai đoạn cuối, TS. Kidong Park nhấn mạnh: "Chúng tôi đã rà soát toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị bệnh nhân 251 và xem xét rất kỹ các xét nghiệm làm cho bệnh nhân này với 6 lần liên tiếp âm tính với virus SARS-CoV-2. Chúng tôi tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác. Sự tin tưởng này là kết quả của quá trình hợp tác, làm việc lâu dài giữa WHO, các chuyên gia quốc tế với ngành y tế, các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu dự phòng, dịch tễ tại Việt Nam".
Đây là khẳng định của TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona chiều 12/5.
Cũng tại buổi làm việc, TS. Kidong Park đã bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua. "Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế" - TS. Kidong Park chúc mừng các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý COVID-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Ảnh: VGP.
Sau nhận định về ca bệnh số 251, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hay vaccine điều trị COVID-19… Do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: mô hình hóa sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ… Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới… làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp về đi lại, giao thương.
Chia sẻ cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua, TS. Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h hôm nay (13/5), Việt Nam đã bước sang ngày thứ 27 không có ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Hiện tại đã có 252/288 trường hợp khỏi bệnh, không có ca tử vong. Trong số 288 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại Việt Nam có 148 ca mắc nhập cảnh được cách ly ngay.
Trong số 36 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại 6 cơ sở khám, chữa bệnh, chỉ còn 20 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Liên quan đến sức khỏe của các bệnh nhân nặng, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân 19 (BN19, 64 tuổi; là bác gái bệnh nhân 17) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, đã tự thở khí phòng ban ngày, chiều tối thở oxy kính 11/p; hồi phục tốt, phổi thông khí rõ, không ran, kiểm soát huyết áp, da niêm mạc hồng. Bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp tốt, cơ lực cải thiện. Bệnh nhân hiện không sốt.
Còn bệnh nhân 91 (BN91, nam phi công người Anh, 43 tuổi), phổi tổn thương rất nặng, khả năng hồi phục kém, được chỉ định ghép phổi. Nhưng theo các chuyên gia, nếu ghép phổi sẽ phải giải quyết hai vấn đề cho bệnh nhân là điều trị nhiễm khuẩn và phổi được tặng phải có các yếu tố hòa hợp với bệnh nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!