Theo Người, lãnh đạo tất yếu phải có kiểm tra; kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi, kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết. Tư tưởng đó của Bác mãi mãi là kim chỉ nam định hướng cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết vào tháng 10/1947, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra cách hiểu đầy đủ nhất các quan điểm về kiểm tra. Bác yêu cầu phải nghiệm ngặt kiểm tra các địa phương kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng; kiên quyết chống lại nghị quyết một đường, thi hành một nẻo.
Chính vì vậy, sau khi cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của công tác này: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo cũng như có ngọc đèn 'pha'. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ. 9/10 khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm".
Về cách kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Kiểm tra không nên chỉ bằng báo cáo mà phải đi đến tận nơi".
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Việc kiểm tra đến nơi, đến chốn không những giúp nắm chắc tình hình, cảnh báo, nhắc nhở, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm mà còn kịp thời phát hiện và phổ biến những kinh nghiệm tốt, đồng thời, củng cố uy tín, lòng tin tưởng của nhân dân đối với Đảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!