Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban soạn thảo, cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.
Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy thuộc trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37 - 40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.
Ban soạn thảo cho rằng hiện tại tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách, nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm, song con số này đến nay vẫn chưa đạt được.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QUochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: "Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu (chiếm 34,5%). Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật".
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể cao hơn nữa.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị phải nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên để đảm bảo chất lượng công việc. Qua hoạt động của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Hải cho rằng nhu cầu tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đặc biệt các đại biểu giỏi, là rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!