Ủng hộ phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP.HCM

Trung Kiên - Lê Tuấn - Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 07/09/2017 07:21 GMT+7

VTV.vn - Ban cán sự Đảng Chính phủ đã đồng ý với nhiều đề xuất có tính chất đột phá về cơ chế, chính sách cho TP.HCM.

Sáng 6/9, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và kiến nghị cơ chế chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước. Tại buổi làm việc, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã đồng ý với nhiều đề xuất có tính chất đột phá về cơ chế, chính sách cho TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân quả quyết: Nếu thành phố không được hưởng các chính sách đặc thù tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong những năm tới đây chỉ còn 6,3% so với 9,6% như hiện nay vì thành phố đang tăng trưởng chậm lại và kém cạnh tranh hơn so với các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, nếu có chính sách đặc thù tốc độ tăng trưởng của thành phố sẽ duy trì được ở mức như hiện nay và sẽ đóng góp được 1/4 kinh tế cho cả nước, thay vì chỉ hơn 21% như hiện nay.

Cơ chế đặc thù TP.HCM kiến nghị đó là bổ sung chi ngân sách của thành phố tăng dần theo từng năm từ 18% như hiện nay lên 27% vào năm 2019 vì thành phố là nơi thu ngân sách lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ được để lại thấp nhất.

Thành phố cũng kiến nghị sửa đổi một số luật và nghị định để Chủ tịch UBND thành phố được Chính phủ phân cấp, ủy quyền quyết định một số vấn đề và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lại phân cấp, ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, sau đó Chủ tịch UBND các quận, huyện được phân cấp, ủy quyền cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định một số khoản thu đặc thù như phí các phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố và phí sử dụng rượu, bia, thuốc lá.

Thành phố cũng tình nguyện thí điểm đánh thuế tài sản đối với những người có từ nhà thứ 2 trở đi. Lãnh đạo TP.HCM dự báo, với tốc độ đầu tư như hiện nay mà không có chính sách đặc thù thành phố cần 167 năm nữa mới đạt chuẩn 10km đường/1km2. Nếu phấn đầu bằng Hà Nội cũng phải mất 30 năm nữa đó là chưa kể thách thức về nước biển dâng và ô nhiễm khói bụi.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho rằng, trong những năm qua, Trung ương đã tăng phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM nhưng theo chưa kịp với yêu cầu phát triển. Vì vậy, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cơ bản đồng ý với các đề xuất, nhất là cần phải phân cấp mạnh cho thành phố, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực bởi thực tế khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt còn bị tụt hậu.

Nhắc lại những gợi mở về tầm nhìn về phát triển cho TP.HCM tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố cách đây 3 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo thành phố đã có tâm huyết, khát vọng và trách nhiệm khi đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế mới. Trên tinh thần đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ nhất trí phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP.HCM thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn. Các sở, quận và huyện cũng được phân cấp, ủy quyền giải quyết một số công việc để giảm tải cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội sẽ tổng hợp, đề xuất, những vấn đề luật pháp chưa cho phép sẽ xin làm thí điểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương để thành phố được phép trả lương cho công chức, viên chức theo năng suất lao động, trên cơ sở khoán quỹ lương và biên chế; đồng thời tự quyết định số lượng cấp phó ở các sở nhưng không được tăng tổng biên chế. Về đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là vấn đề đã được Quốc hội quyết định nên Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ giữ nguyên tỷ lệ này nhằm giữ ổn định ngân sách nhà nước. Trung ương sẽ cấp thêm nguồn lực cho thành phố ở một số công trình lớn, đi cùng với cho nâng trần nợ vay địa phương lên mức 70% tổng thu ngân sách nhưng không được quá trần nợ vay của cả nước và tăng mức thưởng vượt thu.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ được tiếp tục quản lý doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn từ nay đến hết nhiệm kỳ, không phải bàn giao về cho Trung ương. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính cùng với thành phố xây dựng chính sách thu một số loại phí, nếu luật pháp chưa cho phép xin làm thí điểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tiếp thu các ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án về cơ chế chính sách đặc thù này trình Bộ Chính trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước