Vì sao Bộ y tế đề nghị dừng xét nghiệm máu để chuẩn đoán sán lợn?

Minh Đức-Thứ sáu, ngày 22/03/2019 14:14 GMT+7

VTV.vn - Bộ Y tế đã đề nghị dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán lợn do kết quả xét nghiệm này không thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của trẻ.

Thời gian qua, vì lo lắng con em bị nhiễm sán, nhiều bậc phụ huynh tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã đưa con em đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới TƯ để làm xét nghiệm. Số lượng trẻ sau khi xét nghiệm có ELISA dương tính tăng cao đã khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định, việc xét nghiệm ELISA không cần thiết, không thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi I cho hay, việc xét nghiệm không giải quyết được vấn đề quan trọng đó là tìm được nguồn gây bệnh. Thậm chí còn gây ra sự tốn kém và hoang mang trong dư luận xã hội. Vì thực tế với xét nghiệm ELISA trẻ đang nhiễm giun, đã từng nhiễm giun, nhiễm giun nhưng đã hết vẫn có kết quả dương tính.

Nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi đi vào người có thể đi lạc lên cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, sợ nhất là lên não, thường ở da.

Chỉ bệnh nhân có triệu chứng ký sinh trùng di chuyển lạc chỗ dưới da (nổi sấn, nổi cục), vào não (co giật, hôn mê, yếu liệt chi, đau đầu)... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng mới cho chỉ định xét nghiệm

Vừa qua, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng đã lên tiếng về việc phụ huynh ồ ạt đưa con đi xét nghiệm vì lo ngại mắc sán lợn. Cục cho biết, việc chẩn đoán trẻ nhỏ có mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không còn phải dựa vào nhiều yếu tố, không thể chỉ dựa vào việc xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính đã nhận định trẻ mắc bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán lợn. Theo Bộ Y tế, xét nghiệm ELISA dương tính không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Ban an toàn thực phẩm địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đặc biệt là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các trường học và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được bản chất của bệnh, ý nghĩa của các biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun, sán định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.

Nhiều chuyên gia y tế cũng nhận định, những trẻ đang nhiễm giun, đã từng nhiễm giun đều có kết quả xét nghiệm ELISA dương tính. Việc điều trị giun sán lợn cũng không khó khăn như nhiều người tưởng,. Nếu nghi ngờ nhiễm giun sán thì có thể uống thuốc tẩy giun, dùng các loại thuốc tẩy giun sán như albendazol, mebendazol, pyrentel. Đa số giun sán khi vào cơ thể người đều có thể tự thải, giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột người. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng ký sinh trùng di chuyển dưới da, có triệu chứng như nổi sần, cục; di chuyển vào não gây hôm mê, co giật, đau đầu..., bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

sán lợn

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước