Mở cửa xả hồ thủy điện Hòa Bình.
Ngày 11/10 vừa qua, cũng là thời điểm nước dâng cao và nhanh, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phải mở liên tiếp tới 8 cửa xả đáy trong vòng chưa đầy 24 tiếng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động, hồ Hòa Bình mở nhiều cửa xả đáy tới vậy. Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty Thủy điện Sơn La dừng phát điện các tổ máy, đóng cửa xả.
Nhiều người đặt câu hỏi, quy trình vận hành liên hồ chứa đã có, nhưng vừa rồi làm quy trình ngược. Việc dừng phát điện ở Công ty Thủy điện Sơn La, và mở 8 cửa xả đáy ở hồ thủy điện Hòa Bình như vậy có phù hợp hay không.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, điều này vẫn đúng quy trình.
"Theo quy trình vận hành liên hồ, từ ngày 15-30/9, được phép từ hồ Hòa Bình tích lên cao trình 117 m. Công ty Thủy điện Hòa Bình đã tích đúng theo quy trình, lên đúng 117m. Khi lũ về, theo quy trình được phép xả 6 tiếng/lần. Nhưng tại Điều 12 của quy trình vận hành liên hồ, nếu tình huống khẩn cấp, được xả lũ cấp tập để đảm bảo an toàn cho công trình.
Đối với hồ thủy điện Hòa Bình trong những ngày qua cũng vậy, nếu hồ không an toàn thì sẽ là thảm họa của đất nước. Thời điểm tôi và đồng chí Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình có mặt ở hồ vào 6h ngày 11/10, nước đã vượt qua cửa van tum. Nếu các gốc cây gỗ to vượt qua cửa van tum va vào các càng cửa van gây biến dạng cửa van, gây bung cửa van thì hậu quả là không lường được. Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tỉnh Hòa Bình xả lũ như vừa rồi là hoàn toàn đúng quy trình".
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai lý giải việc dứng phát điện ở hồ thủy điện Sơn La và mở 8 cửa xả hồ thủy điện Hòa Bình.
Lý giải về việc dừng phát điện các tổ máy ở hồ thủy điện Sơn La, ông Trần Quang Hoài cho hay: "Về việc đóng cửa xả hồ Sơn La, đây là hành động linh hoạt, thông minh. Vì nếu không đóng hồ Sơn La, nước xả tiếp xuống và sẽ gây áp lực thêm cho hồ Hòa Bình. Lúc đó, không những phải mở 8 cửa xả mà có thể phải xả đến 9-10 cửa xả đáy".
"Đợt lũ này rất đặc biệt, chỉ mưa ở khu vực hồ Hòa Bình, lượng mưa ở Sơn La ổn định. Mực nước ở hồ Sơn La dâng lên không nhiều. Hơn nữa, kết cấu hồ thủy điện Sơn La an toàn hơn nhiều so với hồ Hòa Bình. Có đập bê tông, có dung tích siêu cao để cắt lũ", ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai giải thích thêm.
Khi được hỏi liệu quy trình này có vấn đề không ổn không và có điều gì cần sửa đổi không, ông Trần Quang Hoài cho biết: "Theo quy trình vận hành liên hồ, đến ngày 15/9 hàng năm, chúng tôi chuyển hoạt động vận hành hồ cho các đơn vị làm thủy điện chủ động. Ban Chỉ đạo chỉ điều hành chung để đảm bảo an toàn cho hạ du, việc đảm bảo an toàn cho đập là do các công ty thủy điện chịu trách nhiệm. Nhưng thời tiết năm nay mưa lũ muộn, rất bất thường, chúng tôi sẽ đề nghị thay đổi cho phù hợp với diễn biến phức tạp của thời tiết. Ngoài ra, việc chỉ đạo vận hành liên hồ chứa cũng dựa trên sự tính toán chi tiết từ 6 cơ quan tư vấn đầu ngành của Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét và có đề xuất chỉnh sửa một số vấn đề trong quy trình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!