Cây cầu treo xã A Rooi bắc qua sông A Vương, huyện Đông Giang được xây mới cách đây gần 10 năm, kinh phí lên đến vài tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn cầu treo Chu Va 6, năm qua việc duy tu bảo dưỡng 18 cây cầu đã khiến chi phí của huyện phát sinh lên đến 3,5 tỷ đồng. Riêng sửa cầu cầu A Rooi vào khoàng 200 triệu đồng.
Cũng tại huyện Đông Giang, cầu tạm phục vụ cho hơn 300 hộ dân thôn A Duôn 2, thị trấn Prao vừa bị nước cuốn trôi. Theo Tổng cục Đường bộ thì nơi đây đủ điều kiện để xây cầu treo, tuy nhiên qua khảo sát, lãnh đạo huyện Đông Giang không chọn phương án này mà quyết định đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mở một con đường khác, tuy xa hơn nhưng không vượt sông suối, vừa an toàn, vừa góp phần nâng cao điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Có đường, việc học hành của con em hay vận chuyển nông sản cũng thuận lợi.
Từng có một cây cầu treo nhưng hư hỏng nặng, từ nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện Đông Giang đã xây cây cầu bê tông thôn K8 tại xã sông Kôn. Địa phương đã linh hoạt trong việc tận dụng từ cầu dàn thép cầu đường sắt cũ nên đã giảm đáng kể về chi phí, tổng nguồn vốn xây cây cầu bê tông này chưa đến 4 tỷ đồng, số tiền này gấp đôi kinh phí xây dựng cầu treo mới mà không phải bỏ thêm kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ.
Quảng Nam hiện có 136 cầu treo, trong đó có 119 cầu tạm bợ hoặc đang bị hư hỏng nặng, lãnh đạo tỉnh vừa duyệt kinh phí 10 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp số cầu treo này. Điều đáng quan tâm là hiện nay Bộ GTVT đã bố trí 60 tỷ đồng vốn cho Quảng Nam xây mới 14 cầu treo tiêu chuẩn. Việc đầu tư các cầu treo là cần thiết trước mắt, tuy nhiên về lâu dài cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, căn cơ hơn như cách làm của Đông Giang, có như vậy mới hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.