VIDEO: Chọn nghề trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Hải Sự -Thứ năm, ngày 14/03/2013 11:31 GMT+7

TS. Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội

Mùa tuyển sinh đại học 2013 – 2014 đến gần, trong những ngày này, câu hỏi: “Chọn trường nào, nghề nào cho tương lai?” đang khiến các em học sinh lớp 12 thực sự băn khoăn.

Trong thời điểm tiến hành đăng ký hồ sơ tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm học 2013, các em học sinh cuối cấp THPT rất cần được hướng nghiệp từ phía gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Trong chuyên mục Câu chuyện cuộc sống, TS Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, sẽ đưa ra những kỹ năng chọn nghề, hướng nghiệp cho các em học sinh trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.

BTV: Hiện nay, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã mở ra các chuyên mục giải đáp tuyển sinh. Có một câu hỏi rất nhiều em học sinh đưa ra trong thời điểm này là: Khi các em không có năng khiếu gì đặc biệt nhưng lại thích quá nhiều trường, thì nên chọn ngành thi nào, khối thi nào?

TS Mạnh Hà: Ít sự lựa chọn đã mệt, nhưng trong tình huống các em có quá nhiều sự lựa chọn thực sự còn khó khăn hơn. Thực tế hiện nay, hiểu biết của các em về các lĩnh vực nghề nghiệp cũng như hiểu biết xã hội rất ít, do đó sẽ làm cho các em bị rối thông tin.

Đối với việc lựa chọn sự nghiệp cho bản thân, các em cần chọn công việc mà các em cảm thấy thích thú nhất. Chính vì vậy, trong trường hợp các em không biết mình thích nghề nào hơn nghề nào, thì các em phải xác định xem tính cách của mình, năng lực của mình phù hợp với loại nghề nghiệp nào.

Chúng ta biết rằng, thích là một chuyện nhưng thích có làm được không lại là chuyện khác. Rất may hiện nay các em có nhiều phương tiện, công cụ để có thể đánh giá được chính xác tính cách của của mình phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào.

‘ Các em học sinh nên xác định hướng nghề nghiệp bản thân cảm thấy yêu thích nhất. (Ảnh minh họa)

BTV: Cụ thể, anh có thể tư vấn thêm, làm thế nào để các em có thể biết được tính cách của em học sinh đó phù hợp với ngành nghề nào?

TS Mạnh Hà: Có những em rất hoạt bát, có những em rất trầm tính, có em lại rất giỏi về ngôn ngữ, logic, tính toán, những con số…

Chẳng hạn, tính cách của một em thích được giao tiếp với nhiều người, thích làm việc ở môi trường nhiều biến động, thích công việc đầy sự thử thách, thích những con số… thì chọn nghề kinh tế sẽ phù hợp.

Ngược lại, có những em lại thích làm trong văn phòng, một mình trong không gian hẹp, suy nghĩ sâu sắc một vấn đề nào đó, đòi hỏi công việc cần sự tĩnh tại… các em sẽ chọn công việc phù hợp với tính cách này.

Do đó, các em phải xem tính cách phù hợp với loại công việc nào, từ hiểu biết đó chúng ta mới định hướng được nghề nghiệp.

BTV: Câu hỏi mà nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn hiện nay là: "Trong năm 2013, thi vào các ngành kinh tế tài chính có phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hay không. Do các em có biết thông tin mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngừng mở mới các cơ sở đào tạo, các khoa đào tạo tài chính ngân hàng?"

TS Mạnh Hà: Những bạn năm nay định thi vào ngành tài chính ngân hàng theo tôi phải mừng, do hiện nay việc thu hẹp lại quy mô đào tạo dẫn tới số lượng đầu vào sẽ ít đi, như vậy sẽ gia tăng cơ hội có việc làm cho các em khi ra trường.

Cũng cần biết những bạn thi đỗ vào các ngành tài chính ngân hàng đòi hỏi phải có năng lực cũng như có những tố chất phù hợp. Khi nền kinh tế phát triển, xu hướng các nhà tuyển dụng sẽ chú trọng tới tài năng cũng như năng lực tuyển dụng.

Không nên nghĩ, cứ học tài chính ngân hàng ra là sẽ không có việc làm, hoặc sẽ dễ xin được việc. Điều cần nhất các em phải xem mình có phù hợp với nhừng đòi hỏi của công việc đó không, nếu phù hợp thì chắc chắn chúng ta sẽ được tuyển dụng.

Tôi nghĩ rằng không quá lo lắng do nếu bạn thực sự đam mê hoặc yêu thích các công việc tài chính ngân hàng các em sẽ làm được.

BTV: Khi thắt chặt đầu vào thì áp lực cạnh tranh cao, khiến cho nhiều em lo lắng. Các em yêu thích ngành ngân hàng lo lắng rằng liệu các em có cạnh tranh nổi không, thậm chí không dám đăng ký thi, anh có lời khuyên gì cho các em?

TS Mạnh Hà: Bước thứ hai trong nguyên tắc chọn nghề là ngoài việc các em thích thì phải các em cần có năng lực, có tính cách phù hợp với công việc đó.

Nếu các em không phù hợp thì cũng đừng nên cố gắng lựa chọn, do khi tốt nghiệp ra trường các em không có năng lực và không chịu được đòi hỏi cũng như áp lực công việc thì nhà tuyển dụng cũng sẽ không lựa chọn.

BTV: Các em có học lực trung bình, khả năng đỗ ĐH không cao thì các em nên học các trường ĐH dân lập có điểm đầu vào thấp hay nên theo diện xét tuyển hồ sơ hoặc đi học các trường dạy nghề?

TS Mạnh Hà: Nên theo học khi các em xác định ngành nghề các em lựa chọn là một phần cuộc sống của mình, các em ý thức được việc không học nghề đó các em sẽ không có cơ hội thể hiện mình và không có sự nghiệp.

Tuy nhiên, các em chọn học dân lập chỉ vì đó là học đại học, chứ không phải ngành mà các em yêu thích thì có chọn cũng chỉ lãng phí về tiền bạc thôi. Ra cuộc sống sẽ không có nhà tuyển dụng nào chọn những em có bằng ĐH nhưng chỉ là học đối phó hoặc học như một giải pháp thay thế cho tình huống trượt đại học mà không có năng lực thực sự.

BTV: Đây là thời điểm rất quan trọng với các em, các em phải gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi đại học cả về kiến thức cũng như tâm lý bản thân. Vậy anh có lời khuyên gì để các em có tâm lý ổn định để bước vào kỳ thi tốt nhất?

TS Mạnh Hà: Lúc này, bản thân các em và gia đình đang chịu áp lực rất lớn của việc thi đỗ hay không đỗ, làm cho tâm lý các em cũng hết sức nặng nề.

Một trong những cách các em có thể giải thoát được tâm lý nặng nề đó là tư duy tích cực, có nghĩa các em cần nghĩ đỗ ĐH hay không không quan trọng, miễn chúng ta có được sự nghiệp sau này và chúng ta sẽ chuẩn bị con đường đó như thế nào.

Nếu các em đỗ được ĐH, có thể con đường đó sẽ ngắn hơn một chút. Nhưng nếu trong trường hợp chúng ta không đỗ thì còn nhiều sự lựa chọn khác sau đó chúng ta quay trở lại thực hiện ước mơ của mình. Xác định được tinh thần, tự nhiên các em sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Thứ hai, các em cần cân bằng giữa việc học tập với các hoạt động khác của cuộc sống. Nhiều em học sinh đã thức đêm thức hôm để học tập, luyện thi, nhưng tới ngày thi thì không còn sức khỏe để thi nữa. Cân bằng lại giữa việc học với những hoạt động khác trong cuộc sống sẽ khiến các em có được tinh thần thoải mái hơn.

Để biết thêm nhưng chia sẻ của chính các em học sinh lớp 12 với chuyện chọn trường, chọn nghề, mời quý vị và các bạn theo dõi Video tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước