Việc tăng giá điện, xăng dầu làm "nóng" nghị trường Quốc hội

H.T-Thứ năm, ngày 30/05/2019 10:55 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đề nghị Bộ Công Thương rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý giám sát, tuyên truyền trong việc điều hành giá xăng dầu.

VTV.vn - Trong hôm nay (30/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Chính phủ cần có biện pháp phòng ngừa tăng giá "té nước theo mưa"

Đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến về việc tăng giá điện – vấn đề được cử tri hết sức quan tâm thời gian qua. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện tăng giá điện từ ngày 20/3/2019, theo công bố, mức giá điện tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,04 đồng/kWh. Sau khi nhận được hóa đơn tiền điện vào tháng 4, nhiều người dân cho biết họ đã cảm thấy bất ngờ khi thấy số tiền phải nộp bỗng nhiên tăng vọt. Bên cạnh đó là nguy cơ tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu: "Giá điện, giá xăng dầu là chi phí đầu vào của sản xuất, tác động vào nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới giá tiêu dùng. Việc tăng giá điện vào tháng 3 đã tác động tới chỉ số CPI tháng 4/2019 khoảng 0,29%".

Đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng thời điểm nào sẽ cho tăng giá là rất quan trọng và đề nghị Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho biết: "Mặc dù việc tăng giá điện nằm trong tính toán và lộ trình, tôi cơ bản đồng ý với báo cáo giải trình của Chính phủ nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả thanh tra việc tăng giá điện có đúng quy định hay không. Nếu sai thì xử lý như thế nào? Theo tôi khi tăng giá điện chắc chắn sẽ kéo theo việc tăng giá vật tư nguyên liệu sản xuất gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, Chính phủ cần có biện pháp phòng ngừa tăng giá "té nước theo mưa", theo dõi sát diễn biến thị trường, kê khai giá".

Việc tăng giá điện, xăng dầu làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận)

Cử tri quan tâm không phải đúng quy định không mà tăng giá điện ảnh hưởng thế nào

Sau khi nhận được phản hồi từ người dân, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra phương án tăng giá điện 8,36%. Kết quả kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng quy trình kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần phải xem xét phương pháp điều chỉnh giá điện để tránh ảnh hưởng tới người dân.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu đoàn An Giang) nêu ý kiến: "Bộ Công Thương đã có tờ trình về giá điện, giá xăng. Rất nhiều lập luận khẳng định Bộ làm đúng. Nhưng lấy ví dụ của chính bản thân tôi là bác sĩ, nếu phác đồ điều trị không làm cho bệnh nhân tốt lên thì tôi cũng phải xem xét lại vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai áp dụng lại sai ở mắt xích nào đấy. Lúc này buộc phải dừng lại, suy xét không bảo thủ, duy ý chí, che dấu sai lầm".

"Vậy nên khi rất nhiều người dân phản ứng thì Bộ nên rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý giám sát, tuyên truyền trong việc điều hành giá xăng dầu. Phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền, không có cạnh tranh trong việc mua bán, truyền tải điện?" – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.

Việc tăng giá điện, xăng dầu làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

Việc tăng giá điện đang được các đại biểu và cử trí hết sức quan tâm

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh: "Tôi và cử tri quan tâm không phải đúng quy định không vì Chính phủ đã làm thì không thể không đúng quy định. Điều quan tâm là tăng giá điện ảnh hưởng thế nào tới nhân dân. Bởi tăng giá điện thì làm tăng đầu vào, chi phí này kết tinh vào sản xuất, đương nhiên sẽ tính vào giá thành sản phẩm. Trong khi tiền lương không tăng thì hàng loạt chi phí thiết yếu tăng sẽ ảnh hưởng thế nào tới đời sống người dân, chỉ số lạm phát?".

"Để công khai minh bạch trong điều hành giá điện, tôi kiến nghị Quốc hội đưa vào danh mục kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh ngành điện" – đại biểu đoàn Cà Mau đưa ra kiến nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước