Nhiều doanh nghiệp Pháp chuyên cung cấp công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực PCCC đã tham gia sự kiện này.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết: “Đối với các khu đô thị hiện nay, vấn đề quy hoạch đặt ra là phải đảm bảo giao thông thuận lợi, khi có sự cố cháy nổ xảy ra, xe chữa cháy có thể tác nghiệp được. Đồng thời, nguồn nước phải đảm bảo, đó là yêu cầu bắt buộc”.
Là một chuyên gia hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực an ninh dân sự tại Pháp, Đại tá Bruno Ulliac - Cố vấn an ninh dân sự phụ trách khu vực ASEAN, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam - cho rằng, những khó khăn trên đây là những thách thức cơ bản đối với công tác phòng chống hỏa hoạn tại các đô thị ở Việt Nam.
Ông nói: “Có hai khía cạnh cần lưu tâm: Một là phòng cháy - các bạn hãy bắt đầu trước tiên với việc giáo dục ý thức phòng cháy cho mọi người thông qua các hoạt động tuyên truyền trong trường học về an toàn nguồn điện. Thứ hai là chữa cháy - lực lượng cứu hỏa cần phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị cũng như được tập huấn kỹ. Nhân viên cứu hỏa phải được coi là một nghề như bao nghề khác chứ họ không phải là cảnh sát viên”.
Hội thảo "Phòng chống hỏa hoạn ở đô thị" là dịp để Việt Nam và các nước ASEAN tiếp cận với công nghệ tiên tiến về PCCC của Pháp và tìm được trong đó công nghệ phù hợp với điều kiện của mình. Trong khuôn khổ hội thảo, 8 doanh nghiệp Pháp đã tham gia giới thiệu các công nghệ và thiết bị phòng cháy chữa cháy mới nhất.
Ông Raphel Rousseau - Quản lý kinh doanh tại Việt Nam, Công ty CITAF, Cộng hòa Pháp - nói: “Đối với các khu vực có địa hình hẹp, gây cản trở cho công tác cứu hộ, hiển nhiên là vẫn có giải pháp giúp nhanh chóng triển khai lượng nước lớn cho công tác cứu hỏa. Đó là lắp đặt tại các khu vực này những bồn chứa chất lỏng bằng nhựa dẻo, có dung tích lớn. Chúng rất hữu ích, cơ động và có thể mang ra sử dụng nhanh tại chỗ”.
Ngoài việc sử dụng công nghệ mới, tập huấn kỹ cho lực lượng cứu hộ, theo Bộ Công an, hợp tác với nước ngoài, trong đó có ASEAN và Pháp sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng PCCC.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho rằng: “Cục Cảnh sát PCCC cũng cần có những hợp tác với các nước ASEAN, vì một số nước trong khối sở hữu công nghệ PCCC khá cao. Cho nên, chúng ta nên học tập và trao đổi để tiếp nhận công nghệ này và áp dụng tại Việt Nam”.
Ngày mai (2/7), Hội thảo sẽ tiếp tục với các phiên thảo luận bàn tròn về việc tăng cường các quy định an toàn và quy trình tác nghiệp trong công tác PCCC.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.