Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

H.T-Thứ tư, ngày 30/10/2019 10:36 GMT+7

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) khẳng định Việt Nam cần tiếp tục thay đổi và cải cách mạnh mẽ nếu không muốn bị tụt lại phía sau (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá thực tế chưa chứng minh được Việt Nam hưởng lợi và trở thành công xưởng mới của thế giới.

Sáng nay (30/10), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đánh giá năm 2019 là một năm thành công của nước ta mà không dễ dàng làm được: "Hiện nay thì tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận đến nền kinh tế nước ta. Ở trong nước thì những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế tích tụ trong nhiều năm không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Biến đổi khí hậu thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Nhưng chúng ta vẫn có một năm thành công cao. Cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4% và tăng trưởng đạt mức 6% cho cả năm. Trên 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, đầu tư xã hội được mở rộng và chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng của xuất khẩu và đầu tư của khu kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở Châu Á. Đó là thành quả rất quan trọng và không dễ dàng".

Dù vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhìn về tầm nhìn đến 2020 và những năm tiếp theo thì chúng ta chưa thể yên tâm: "Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo thì có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu. Mức tăng trưởng 6,8% của nền kinh tế có độ mở cao phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu liệu như nước ta thì liệu có khả thi. Vì vậy tôi đề nghị chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này. Nhìn vào ngành chế biến, chế tạo - khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm tỷ thì ta thấy rằng đằng sau sản lượng ấn tượng là 11,37% thì chỉ số hàng tồn kho ngành này tại thời điểm 30/9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2% cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017. Vậy tăng trưởng ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường".

Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Đặc biệt, về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ĐBQH đoàn Thái Bình đưa ra những chỉ số đáng lưu ý: "Rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi và trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới. Nhưng thực tế không chứng minh điều ngược lại, "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết".

9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018 và chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng mức tăng trên 20% của những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu ra thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại, về thâm hụt thương mại. 9 tháng đầu năm xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.

"Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ" - đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh - "Khả năng duy trì xuất khẩu của thị trường lớn nhất trên thế giới chiếm đến 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do vậy trở nên rất mong manh. Bức tranh đầu tư nước ngoài cũng chẳng sáng sủa hơn. 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn quan trọng đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta".

Những chỉ báo này cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới là rất gian nan. Động lực chính để tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra Ủy ban tài chính Ngân sách Quốc hội đã chỉ ra rằng, 3 năm liên tiếp nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp - nguồn thu trông đợi nhất của nền kinh tế và cũng là chỉ báo quan trọng nhất thể hiện tính bền vững của Ngân sách quốc gia đã không đạt kế hoạch, thể hiện cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Năm thứ tư liên tiếp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán Năm thứ tư liên tiếp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán

VTV.vn - Năm 2019 là năm thứ tư thu ngân sách vượt dự toán, dự kiến vượt hơn 3%, thậm chí lên tới 5%.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định Việt Nam cần tiếp tục thay đổi và cải cách mạnh mẽ nếu không muốn bị tụt lại phía sau: "Vì vậy, đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị và của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì phát triển xuất kinh doanh là rất quan trọng để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các nước trên thế giới đã đua nhau hạ lãi suất, giảm chi phí và ban hành các gói kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn. Việc chúng ta chững lại trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố cũng đã cảnh báo rằng, dù Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau".

Cũng liên quan tới sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu đoàn Thái Bình đã đề cập tới vấn đề hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta ở Việt Nam. Mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP nhưng khu vực kinh tế tư nhân đang mang nghịch lý lớn khi 700.000 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đóng góp chính thức chỉ vỏn vẹn 10% GDP. Còn lại 3% GDP là thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

Cân nhắc đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Dự luật Doanh nghiệp sửa đổi Cân nhắc đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Dự luật Doanh nghiệp sửa đổi

VTV.vn - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết, phạm vi sửa đổi của Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.

"Không có nền kinh tế thị trường nào mà có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy. Về bản chất thì hộ kinh doanh chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý nên với bên ngoài hộ kinh doanh đang bị hạn chế về quyền kinh doanh. Trong nội bộ hộ kinh doanh đang thiếu vắng khuôn khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch. Hộ kinh doanh không được thúc đẩy để hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt" - Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Chủ tịch VCCI đã chỉ ra những giải pháp như sau: "Để giải quyết vấn đề này, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mà chỉ có thể khoác tấm áo mới cho hộ kinh doanh. Phải đưa hộ kinh doanh và phạm vi điều chỉnh của luật doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta. Điều này cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân và tổ chức ở đất nước ta phải được quy định bằng văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp Nghị định, Thông tư như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay ở nước ta".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước