Sau lần đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, ngày 7/6, Việt Nam tiếp tục ứng cử vào vị trí này lần hai. Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA có trách nhiệm hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sự tham gia trực tiếp của Việt Nam tại sân chơi đa phương lớn nhất này sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, giúp Việt Nam vững bước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Vậy quốc tế nhìn nhận về sự chuẩn bị và cơ hội của Việt Nam cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ như thế nào? Phóng viên THVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Kamal Malhotra - Điều phối viên Thường trú của LHQ.
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ đầu tiên và bây giờ Việt Nam đang ứng cử lần hai. Ông có nhận xét gì về sự chuẩn bị của Việt Nam lần này?
Mười năm qua đã có rất nhiều thay đổi, thế giới đang đối mặt với những thách thức mới, sự đồng thuận của HĐBA hiện nay cũng không cao. Vì vậy, nếu được bầu thì đây cũng sẽ là một nhiệm kỳ thách thức hơn ở vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đối với Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, Việt Nam đã từng làm Chủ tịch tháng của HĐBA ít nhất một lần, do cơ chế luân phiên theo tháng của HĐBA. Việt Nam đã thương lượng giúp HĐBA thông qua 1 nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh. Việt Nam qua đó đã nâng cao kinh nghiệm đàm phán và đóng góp vào các nghị quyết của HĐBA.
Ông đánh giá về khả năng và vị thế của Việt Nam ra sao trước vị trí đang ứng cử?
Việc ủng hộ cơ chế đa phương là rất quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam muốn ứng cử vào thành viên không thường trực HĐBA. Việt Nam sắp tới còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, đây cũng là sân chơi đa phương ở tầm khu vực mà Việt Nam đang đảm nhận trọng trách quan trọng.
Năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), hay gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2. Đây là một trọng tâm của HĐBA LHQ, cụ thể là vấn đề phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên. Những ví dụ kể trên cũng như việc Việt Nam đã cử sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, hay bệnh viện dã chiến cấp II đến Nam Sudan trong năm 2018 đã chứng tỏ nỗ lực của Việt Nam trong đóng góp cho hòa bình thế giới. Đây là những ví dụ thuyết phục để Việt Nam nhận được ủng hộ từ thế giới cho vị trí đang ứng cử này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!