Việt Nam, Thái Lan tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 17/08/2017 21:25 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã nhất trí hai nước sẽ tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Chiều nay (17/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân đã tới Thủ đô Bangkok, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Phu nhân. Tại cuộc hội đàm vừa kết thúc vào tối nay, hai Thủ tướng đã nhất trí hai nước sẽ tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Đây là chuyến thăm chính thức Thái Lan lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Kể từ nhiều năm nay, Thái Lan luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của mình trong ASEAN và trên thế giới. Minh chứng cho điều này, đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN mà Thái Lan đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Thái Lan cũng là nước duy nhất mà Việt Nam tiến hành họp nội các chung. Trong chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Trong đó, Thái Lan tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng như hàng hóa của Việt Nam thâm nhập được nhiều hơn vào thị trường nước này.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Phu nhân bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân lần đầu tiên thăm chính thức Thái Lan; nhấn mạnh sự gắn bó, thông hiểu và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ định hướng quan hệ hợp tác phát triển. Để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, cùng với triển khai hiệu quả các cơ chế song phương và nhất trí thúc đẩy sớm tổ chức các cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương lần thứ 3, họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 3, Ủy ban hợp tác thương mại lần thứ 3 và đặc biệt là cuộc họp nội các chung lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định sẽ nỗ lực để đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD trước năm 2020, cũng như hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư thương mại của khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau và thúc đẩy hợp tác về gạo. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu cho phát triển của Việt Nam như du lịch, công nghiệp phụ trợ, tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, nông thủy sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, do đó hai bên tăng cường trao đổi quan điểm, chính sách quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác thực tế giữa các quân, binh chủng. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức lợi dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia, đồng thời phối hợp phòng, chống khủng bố và các loại hình tội phạm, tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề trên biển cũng như thúc đẩy đàm phán Hiệp định Dẫn độ và Tương trợ tư pháp về hình sự. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp.

Về kết nối giữa hai nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhất trí đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức bao gồm cả đường bộ, đường biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng như tuyến xe bus nối Thái Lan - Lào - Việt Nam, tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan - Campuchia - Việt Nam, đi cùng với việc mở thêm các chặng bay mới kết nối Việt Nam và Thái Lan như chặng Quảng Bình - Chiang Mai.

Hai Thủ tướng cũng đạt nhất trí cao trong việc đề ra các biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác như lao động, thương mại nông nghiệp, du lịch, khoa học kỹ thuật, văn hóa và giao lưu nhân dân. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đề nghị phía Thái Lan tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan hội nhập, phát triển và đề nghị phía Thái Lan sớm cấp giấy thông hành cho các Việt kiều cao tuổi.

Bên cạnh hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực. Trong đó, hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn và cam kết tăng cường hợp tác song phương trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế như Tiểu vùng Mekong, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong, ASEAN, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, APEC và Liên Hợp Quốc. Nhân dịp này, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng và Thái Lan ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ APEC, trong đó có sáng kiến tầm nhìn APEC.

Nhìn lại chặng đường 50 năm ASEAN, hai nhà lãnh đạo vui mừng trước sự trưởng thành và lớn mạnh của Cộng đồng, trở thành cơ chế hợp tác quan trọng đối với chính ASEAN và với các nước trong và ngoài khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thái Lan, một trong những nước sáng lập Hiệp hội luôn giữ vai trò tích cực đối với các vấn đề an ninh chiến lược và phát triển Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh vai trò ngày một năng động, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và tin rằng quan hệ hai nước trong khuôn khổ Hiệp hội sẽ tiếp tục chặt chẽ và đóng góp vào thành công chung của ASEAN. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm củng cố đoàn kết, giữ vững lập trường, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thách thức đối với hòa bình và an ninh của khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi cùng với xây dựng, duy trì và nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; tôn trọng các nguyên tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Hai Thủ tướng cũng tái khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Ngay sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã chứng kiến lễ ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương hai nước về hợp tác kinh tế và thương mại. Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan về hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thái Lan cùng với Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị giữa UBND tỉnh Cà Mau và tỉnh Trat của Thái Lan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng chứng kiến 5 thỏa thuận và bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp hai nước về xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị, dự án tổ hợp hóa dầu Long sơn và nghiên cứu hợp tác phát triển các dự án hóa dầu khác tại Việt Nam cùng với Bản ghi nhớ về dự án xây dựng dự án điện gió 300 MW tại Cà Mau và Bạc Liêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước