Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong suốt một thời gian dài hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có rất nhiều bài viết sâu sắc đề cập, phân tích tầm vóc của Đảng đối với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Đầu tuần qua, đúng vào ngày 3/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng và khẳng định chân lý: "Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".
Báo Nhân dân đã đăng toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong đó điểm lại những dấu mốc son trong lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Từ cách mạng tháng 8 năm 1945, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một quốc gia có tiếng nói và vị thế trên thế giới.
Theo tờ Quân đội nhân dân, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, sự tin cậy và kỳ vọng của nhân dân. Thực tế đã cho thấy, một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ Đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.
Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch do nCoV gây ra
Trong tuần qua, chủ đề liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra là một trong những chủ đề nổi bật của báo chí. Diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam được cập nhật hàng ngày. Những cuộc họp khẩn, chỉ đạo khẩn để phòng chống dịch được báo chí liên tục phản ánh cụ thể, chi tiết.
Việt Nam lần đầu tiên công bố dịch và đã phản ứng nhanh chóng để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh ngay từ khi dịch mới bắt đầu. Các bệnh viện dã chiến đối phó với dịch đã sẵn sàng. Theo Báo Tiền phong, tính đến cuối tuần này, Việt Nam đã có 13 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 ca đã ra viện, cho thấy chúng ta đã làm chủ công tác điều trị và đang đi đúng hướng trong phòng chống nCoV.
Tờ Tuổi trẻ thông tin, ngành y tế liên tục cập nhật các phác đồ điều trị tiến bộ nhất trên thế giới do đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên tất cả các trường hợp dương tính với nCoV sẽ được điều trị miễn phí. Tất cả các bệnh viện trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc phân lập chủng mới của virus Corona. Điều này tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nCoV với số lượng mẫu lên tới hàng nghìn mẫu mỗi ngày. Đây cũng là tiền đề cho việc nghiên cứu phác đồ điều trị khi mà thế giới vẫn chưa có vaccine phòng chống nCoV.
Những nỗ lực cứu người của các y bác sĩ đã được đền đáp. Dẫn chứng từ câu chuyện của bệnh nhân người Trung Quốc được điều trị khỏi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh chia sẻ rằng, mình thực sự may mắn khi nhập viện ở Việt Nam, được điều trị tốt. Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, cảm ơn các y bác sĩ đã chăm sóc, điều trị cho cha con bệnh nhân Li Zichao.
Việc điều trị thành công đã thêm củng cố cho việc Việt Nam đủ khả năng phòng chống và điều trị trong cuộc chiến chống nCoV.
Tác động của dịch nCoV đối với nền kinh tế
Liên tiếp trong những ngày qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp và các động thái để phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Tại phiên họp Chính phủ diễn ra trong tuần, vấn đề này tiếp tục nóng khi Chính phủ đưa ra các biện pháp, kịch bản để đối phó với dịch đang lan rộng và kéo dài bởi nhiều ngành kinh tế cũng đang gặp khó khăn vì dịch này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất là nếu dịch được khống chế kịp thời ngay trong quý I này thì ước tính GDP năm 2020 sẽ tăng 6,27% so với năm trước. Còn ở kịch bản thứ hai, nếu dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng ước tính GDP chỉ tăng 6,09%.
Cả hai kịch bản đều cho thấy ước tính GDP thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho năm 2020. Dù diễn biến và mức độ tác động của dịch đến kinh tế xã hội được cho là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, Chính phủ vẫn tiếp tục khẳng định tinh thần nhất quán là bàn tiến không bàn lùi.
Các báo ra trong tuần này dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng, có thể hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế nhưng Chính phủ sẽ không hoang mang giao động mà quyết tâm vừa phòng chống dịch tốt, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế đúng như cam kết với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!