Dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến sự cố trên, nhưng có một bài học trước mắt đã được lộ rõ, đó là việc quy hoạch, xây dựng các công trình không được nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ về các tác động đến môi trường.
Gần như cùng thời điểm với sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, ngay tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, đập chỉnh trị dòng sông A Vương với hàng ngàn mét khối đất đá cũng bị nước lũ cuốn trôi. Dù không có thương vong về người, nhưng sự cố này cũng bộc lộ sự tính toán thiếu khoa học của các đơn vị quản lý.
Dự án chỉnh trị sông A Vương để lấy mặt bằng xây dựng trung tâm hành chính xã A Tiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu triển khai từ đầu năm nay. Hạng mục đập được thi công gần 2 tháng, nhưng chỉ sau một đợt mưa lớn, toàn bộ con đập và hơn 4.000 m3 đất đá đã bị trôi theo dòng nước. Lâu nay người dân xã A Tiêng rất lo lắng bởi dự án này đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, nguy cơ xói lở rất lớn.
Dự án chỉnh trị sông A Vương có diện tích 18ha, do Công ty Tây Hồ Minh thi công. Riêng hạng mục xây dựng đập chỉnh trị hơn 6 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án huyện Tây Giang làm chủ đầu tư. Rất may, khi xảy ra sự cố vỡ đập, chính quyền chưa bố trí dân cư xây nhà nên không có thiệt hại đáng kể.
Tây Giang là huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam nhưng khá thành công trong việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư. Dự án chỉnh trị sông A Vương cũng không nằm ngoài múc đích ấy. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia quy hoạch, việc chặn dòng, san lấp để xây dựng trung tâm hành chính và khu dân cư có độ rủi ro cao. Hơn nữa, giải pháp thi công thiếu khoa học, nhất là trong điều kiện thời tiết ở vùng núi.
VTV.vn - Chiều 13/9, tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, lũ trên sông A Vương dâng cao đã gây vỡ đập công trình chỉnh dòng A Vương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!