Liên quan tới
việc UBND xã Nguyên Giáp giao thầu chợ Quý Cao cho bà
Nguyễn Thị Vân đứng ra quản lý và thu phí chợ, luật
sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai –
Đoàn luật sư TP. Hà Nội khẳng định là trái thẩm
quyền so với quy định.
Theo đó, căn
cứ vào quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày
14/01/2003 (NĐ 02) và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày
23/12/2009 (sửa đổi bổ sung NĐ 02) của Chính phủ về
phát triển và quản lý chợ thì việc lựa chọn doanh
nghiệp kinh doanh khai thác chợ thông qua hình thức giao
thầu hoặc tổ chức đấu thầu thuộc thẩm quyền của
UBND cấp tỉnh (Khoản 1 Điều 15); UBND cấp huyện có thẩm
quyền phê duyệt nội quy chợ của các chợ hạng 2 và
hạng 3, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các
quy định của pháp luật và chính sách về phát triển,
quản lý chợ; còn UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý
và thực hiện các phương án chuyển đổi ban quản lý
hoặc tổ quản lý các chợ hạng 3 sang doanh nghiệp hoặc
(hợp tác xã kinh doanh) quản lý chợ đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các cơ quan cấp
tỉnh, cấp huyện quản lý các chợ hạng 1 và hạng 2
trên địa bàn.
Chưa hết, theo
quy định tại Điều 7 và Điều 15 NĐ 02 (được sửa
đổi, bổ sung bởi NĐ 114) thì đối tượng được giao
để tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ ở địa
bàn nông thôn (chợ do Nhà nước đầu tư) phải là các
doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có đủ điều kiện
theo quy định của UBND cấp tỉnh. Do đó, UBND xã Nguyên
Giáp giao thầu cho cá nhân bà Nguyễn Thị Vân được thu
phí, khai thác và quản lý chợ Quý Cao là vi phạm quy định
nêu trên của Chính phủ.
Đối với
những dấu hiệu vi phạm nêu trên, theo quy định tại
Điều 17 NĐ 02 thì "Cán bộ, công chức Nhà nước; tổ
chức, cá nhân kinh doanh và người vào mua bán tại chợ
vi phạm các quy định của Nghị định này tùy theo mức
độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc
hình sự theo quy định của pháp luật".
Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Cũng theo luật
sư Hiển, việc gia đình bà Nguyễn Thị Vân (bên nhận
thầu) thu phí chợ quá mức quy định, thu không có chứng
từ (vé chợ), là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định
tại Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài
chính quy định về "quản lý ngân sách xã và các hoạt
động tài chính khác của xã, phường thị trấn", thì
mọi khoản thu, chi ngân sách xã phải thực hiện quản lý
qua Kho bạc Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước; nghiêm cấm thu không có biên lai, thu để ngoài
sổ sách; khi thu phải giao biên lai cho đối tượng nộp.
Theo quy định nêu trên, thì việc thu phí chợ đối với
các tiểu thương chợ Quý Cao ngoài việc phải được
thực hiện theo đúng mức thu quy định tại Hợp đồng
giao thầu, cũng như quy định tại Quyết định số
14/2012/QĐ-UBND ngày 20/7/2012 của UBND tỉnh Hải Dương, thì
việc thu phí còn phải được thực hiện theo đúng quy
định của pháp luật về kế toán và phải có chứng từ
thu phí theo quy định.
Ngoài ra, đối
với khoản thu 40 triệu đồng/năm từ việc giao thầu,
theo quy định tại Thông tư 60 nêu trên, thì khoản thu này
phải thực hiện quản lý qua Kho bạc Nhà nước, và việc
thu nộp số tiền này phải có biên lai; pháp luật nghiêm
cấm việc thu chi không có biên lai, thu để ngoài sổ
sách. Nếu như việc thu nộp số tiền này của UBND xã
Nguyên Giáp không có hoá đơn chứng từ, trên sổ sách
theo dõi các khoản thu chi của xã không thể hiện khoản
thu đó (tức là bỏ ngoài sổ sách), thì đây là hành vi
vi phạm pháp luật về kế toán và pháp luật về ngân
sách. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều
tra xác minh làm rõ các sai phạm nếu có.
Chợ Quý Cao thuộc xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Không chỉ là
những sai phạm hành chính, luật sư Lê Hồng Hiển còn
chỉ ra yếu tố hình sự trong hành vi thu phí vượt quá
quy định của gia đình bà Vân. "Theo quy định tại Hợp
đồng giao thầu cũng như quy định tại Quyết định số
14/2012/QĐ-UBND ngày 20/7/2012 của UBND tỉnh Hải Dương, thì
mức phí mà Bên nhận thầu được phép thu của các tiểu
thương kinh doanh tại chợ Quý Cao theo mức như sau: Phí cố
định: mức thu 4.000 đồng/m2/tháng. Phí vào chợ bán hàng:
đối với hàng có giá trị dưới 100.000 đồng, mức thu
2.000 đồng/lượt; hàng có giá trị từ 100.000 đồng đến
500.000 đồng, mức thu 3000 đồng/lượt; hàng có giá trị
trên 500.000 đồng, mức thu 4.000 đồng/lượt. Việc bà
Vân thu phí chợ của nhiều tiểu
thương cao hơn so với quy định trên, không chỉ vi
phạm Hợp đồng và Quyết định số 14/2012/QĐ-UBND của
tỉnh Hải Dương, mà còn
có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài
sản" theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự,
thể hiện ở việc bà Vân đã đưa ra các thông tin về
mức phí thu thực tế không đúng sự thật (với mức phí
quy định), nhằm làm cho các tiểu thương tưởng rằng
mức phí mà mình phải nộp cho gia đình bà này là mức
phí theo đúng quy định của Nhà nước, nên đã giao tài
sản (tiền phí) cho bà Vân và bà Vân đã đạt được
mục đích chiếm đoạt bất hợp pháp số tiền phí chênh
lệch này."
Trước đó
trong bài: "Hải Dương: Chính quyền xã buông lỏng quản
lý, tiểu thương chợ Quý Cao kiêu trời!", VTV News đã phản ánh
việc chính quyền xã Nguyên Giáp thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, dẫn đến để bên nhận thầu chợ (bà Nguyễn Thị Vân) thu phí cao, thu phí sai trong suốt thời gian dài. Cùng với đó, các khoản thu liên quan tới chợ Quý Cao không được công khai minh bạch khiến cho người dân cũng như tiểu thương bức xúc.
VTV.vn - Người dân, tiểu thương xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương bức xúc trước tình trạng thu phí tại chợ Quý Cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!