Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức. Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc lưu ý các nhà khoa học khi xây dựng một Bộ dữ liệu phải giúp các cơ quan chức năng và địa phương có cái nhìn khách quan, trung thực về thực trạng khu vực này. Đồng thời, Bộ dữ liệu phải cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng các cấp sẽ diễn ra tới đây.
Hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành vùng Tây Bắc sẽ nghiên cứu 14 lĩnh vực liên quan tới điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực, dân cư, dân tộc, văn hóa…, nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hiện trạng, tác động của các hoạt động kinh tế xã hội, tác động của tự nhiên như: thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của các chính sách đến phát triển bền vững của toàn vùng (bao gồm 12 tỉnh Tây Bắc và 21 huyện phía Tây Thanh Hóa và Nghệ An )
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội khi xây dựng Bộ dữ liệu này cần tránh tình trạng nghiên cứu hàn lâm, kinh viện, xa rời thực tiễn. Các đề tài nghiên cứu phải trả lời được câu hỏi: Sẽ đóng góp được gì giúp Tây Bắc phát triển bền vững? Làm thế nào để đời sống của người dân được cải thiện và quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc hơn?
Đặc biệt, các nhà khoa học cần xác định ưu tiên cho các đề tài khoa học cấp thiết liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người dân, cũng như định hướng cho từng địa phương khai thác hiệu quả tài nguyên, tiềm năng và lợi thế của vùng - vốn là địa bàn chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.