Xây nhà trên kênh mương thủy lợi - Trách nhiệm thuộc về ai?

Duy Hoàn-Thứ tư, ngày 10/09/2014 18:09 GMT+7

Cứng hóa kênh mương nông nghiệp bằng… nhà thương mại tại Bắc Ninh được coi là hy hữu từ trước tới nay. Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi việc xây dựng diễn ra ngang nhiên như vậy?

Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh - Trung tâm Tin tức 24, gần 60 ngôi nhà, ki ốt hai tầng kiên cố ngang nhiên được xây dựng công khai trên công trình thủy lợi này nằm trong “Dự án ngầm hóa kênh mương” theo hình thức hợp đồng xây dựng, kinh doanh và chuyển giao BOT của tỉnh Bắc Ninh.

Công ty TNHH Thượng Hải là đơn vị được cấp “Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” số 346/QĐ-UBND tỉnh Bắc Ninh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan, Giám đốc công ty Thượng Hải cho biết: “Công ty Thượng Hải được Sở Nông nghiệp ký hợp đồng theo hình thức BOT được cấp phép trên tỉnh. Giai đoạn 1 xây dựng 58 căn hai tầng, diện tích mỗi căn là 48m, kinh phí đầu tư ban đầu gần 30 tỷ VND”.

Với trường hợp xây dựng ki ốt trên kênh mương như vậy, GS Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xét về nguyên tắc Luật Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã quy định rất rõ là hành lang an toàn thủy lợi phải cách bờ kênh tùy theo cấp kênh, có thể từ 3m - 5m. Trong phạm vi này, người dân có thể được canh tác nhưng không được xây dựng cơ sở hạ tầng và xâm chiếm các hành lang của sân đê. Do đó, việc tỉnh ủy Bắc Ninh cấp phép cho Công ty TNHH Thượng Hải xây dựng nhà, ki ốt ngay trên mặt kênh thủy lợi là bất thường.

GS Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phân tích thêm: “Việc cứng hóa kênh mương là rất tốt để giảm đi việc sói lở bùn lắng, việc nạo vét kênh hàng năm cũng giảm đi. Tuy nhiên, việc xây dựng trên toàn bộ bề mặt kênh lại hoàn toàn khác chứ không liên quan đến cứng hóa”.

Để lý giải cho vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh lại biện minh rằng hiện nay nguồn vốn của tỉnh để cái tạo và nâng cấp các công trình thủy lợi như thế này đang còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn vốn xã hội hóa là cần thiết, việc xây dựng những ki ốt trên kênh mương để kinh doanh là hoàn toàn… phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Bắc Ninh nói: “Ngầm hóa kênh mương, lợi dụng mặt bằng ở trên xây ki ốt nhằm mục đích khai thác kinh doanh chứ không phải xây chợ ở đấy”.

Trong khi đó, ông Trần Đăng Truyền, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “Khi khai thác, Nhà nước được thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, nói chung là tất cả. Nếu vị trí khác chắc không làm thể được. Tôi nghĩ rằng nhà đầu tư này cũng rất là dũng cảm”.    

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên nguyên tắc được phê duyệt, Công ty TNHH Thượng Hải chỉ phải bỏ ra hơn  5 tỷ VND dành cho việc cứng hóa kênh mương. Sau đó, công ty này sẽ được xây dựng 108 gian ki ốt hai tầng ở phía trên phục vụ cho việc cho thuê hoặc kinh doanh với giá thành mỗi ki ốt lên đến tiền tỷ và được khai thác trong vòng 50 năm.

Thực tế, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nhu cầu tiêu nước đòi hỏi đã tăng lên khoảng 25% . Nếu tỉnh Bắc Ninh cho chủ trương xây dựng nhà, các ki ốt trên kênh mương nông nghiệp như vậy, rõ ràng trong thời gian tới mọi phương án liên quan đến cải tạo, nâng cấp hệ thống này, là không thể giải quyết được.

Trước những băn khoăn nói trên của ngừoi dân, nhóm phóng viên đã làm việc với Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và được cơ quan này cho biết, Tổng cục sẽ tiến hành thanh, kiểm tra vụ việc này và có câu trả lời khi có kết luận cuối cùng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước