Có một chứng minh khoa học cho thấy, một xe chở vượt tải trọng gấp 2 lần cho phép, sức phá hoại đường của nó tương đương 16 xe chở đúng tải trọng; còn nếu chở gấp 3 lần, sức phá hoại tương đương 81 xe.
Theo tính toán, đáng lẽ đường mới làm phải sử dụng tốt trong 10 năm đầu, nhưng do xe chở quá tải nên chưa đến 1 năm đưa vào sử dụng đã phải đại tu. Như vậy, có thể khẳng định, xe quá tải là một trong những nguyên nhân khiến nhiều con đường trở nên mất an toàn do xuống cấp.
Ngoài mất an toàn giao thông, thiệt hại về kinh tế do xe quá tải cũng là vô cùng lớn, khi chi phí đại tu cho chỉ 1km đường ô tô có 2 làn xe hiện nay vào khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể có những con đường bị phá nát hoàn toàn, mức đầu tư còn lớn hơn nhiều.
Còn về góc độ an toàn, theo các chuyên gia, xe chở quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác. Chở quá tải còn là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua… dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Đối với người dân sống ở ven đường xuống cấp nhanh chóng vì xe quá tải, hàng ngày, họ phải chịu bụi bặm, ồn ào, nguy hiểm đến tính mạng.
Từ cuối tháng 11/2016 đến nay, khi lực lượng cảnh sát giao thông rút khỏi các các trạm cân xe sau khi hai Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an đã thống nhất kết thúc kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện xe, cũng từ đó, hiện tượng xe quá tải lại có nguy cơ bùng phát trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!