"Xin hãy cho chúng con được sống"

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 12/04/2018 20:12 GMT+7

VTV.vn - Nhiều bậc phụ huynh đã đặt quá nhiều kỳ vọng cũng như áp lực học tập nặng nề lên các em học sinh. Điều này vô tình lại dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng – cùng với sự phát triển xã hội, cuộc sống càng hiện đại, công nghệ càng tân tiến thì con người càng ngày càng có nhiều áp lực; áp lực trong công việc, trong học tập, trong đời sống tình cảm...

Tình trạng tự tử học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do áp lực học tập, cuộc sống gia đình, mâu thuẫn với bạn bè, tâm lý tuổi mới lớn.

Xin hãy cho chúng con được sống - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)

Chỉ mới hôm qua 11/4, vụ việc một nam sinh khối lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM đã nhảy lầu tự tử và để lại thư tuyệt mệnh nội dung nói về những áp lực trong học tập như đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng này.

Nhưng không hẳn phải đến vụ việc đau lòng kể trên, chúng ta mới bắt đầu ý thức về điều gì đang thực sự diễn ra. Trong những năm gần đây, liên tiếp những vụ tử tự do áp lực học tập đã trở thành một vấn đề khiến bất cứ ai trong chúng ta đều cảm thấy lo ngại. Chắc rằng, ít nhiều trong chúng ta, lâu nay vẫn luôn mơ hồ cảm thấy sự bất ổn trong các khái niệm về giáo dục, bệnh thành tích, áp lực, sự kỳ vọng, và thất vọng.

Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông. Theo thống kê gần đây của Bộ Y tế về vấn đề y tế học đường, số học sinh có ý định tự tử ngày càng cao,  cứ 5 em học sinh lại có 1 em có ý định tự tử.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU ?

Sẽ nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân bắt đầu từ chính các bậc phụ huynh và nhà trường. Mặc dù, chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho nhà trường hay các bậc phụ huynh quá nghiêm khắc trong việc áp đặt bất kỳ luật lệ nào đối với học sinh hay con cái của họ chỉ vì muốn các em thành công.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, giữa những áp lực xảy đến với chính cuộc sống, bản thân mình; nhiều bậc cha mẹ đã chuyển từ tâm lý hy vọng vào sự thành công của con em mình sang làm mọi cách để buộc con em mình phải thành công. Mỗi người đều có một lý do riêng để giải thích cho việc này.

Cách đây không lâu, một học sinh mới bước vào cấp 3, là học sinh giỏi từ lớp 1 tới lớp 9 tại TP.HCM đã gửi thư thống thiết tới "các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo", nói rằng em ghét việc học; rằng em kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe chữ "HỌC". Trong thư có đoạn:

"Xin đừng quá vào kỳ vọng vào tụi con, để rồi chính những kỳ vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích chúng con khi bọn con bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài".

Chúng ta trông chờ và mong muốn có nhiều hơn các "thiên tài", nhưng rõ ràng chúng ta không hoàn toàn tạo ra thiên tài. Là bậc cha mẹ, ai cũng muốn những điều tốt nhất cho con cái mình. Cũng vậy, ngôi trường nào cũng muốn đào tạo được những học sinh ưu tú. Trong xã hội hiện đại, những lĩnh vực ngành nghề càng phong phú hơn hết bao giờ. Do đó, những những ngành nghề được cho là có thể có thu nhập cao hơn – thường được chú trọng để định hướng thành mục tiêu phấn đấu cho con em mình. Điều này đôi khi vô tình tạo ra trở ngại với khả năng cũng như mong muốn cá nhân của chính các em. Nhiều em học sinh phàn nàn rằng, bố mẹ buộc các em tập trung vào những môn khoa học hay toán học, với hy vọng rằng con của họ có thể trở thành các kỹ sư hoặc bác sĩ. Bản thân các em có thể quan tâm đến thương mại hoặc nghệ thuật – xong lựa chọn đó hoàn toàn bị bỏ qua.

Xin hãy cho chúng con được sống - Ảnh 2.

Nhiều áp đặt của cha mẹ lên con cái. Ảnh: mekhonghoanhao.com

Hầu hết các vụ việc xảy ra trong thời gian qua là kết quả của áp lực của cha mẹ và kỳ vọng cao, không phù hợp với kỹ năng và sở thích của các em. Ngay cả trong những trường hợp, những ý định dại dột vốn không nằm sẵn trong tâm trí của các em, xong áp lực quá mức đến từ cha mẹ và nhà trường đã dẫn đến một số vấn đề tâm lý, biểu hiện trong các giai đoạn khác nhau của lứa tuổi mới lớn đến khi trưởng thành.

Xin hãy cho chúng con được sống - Ảnh 3.

Áp lực từ nhà trường và gia đình đang đè nặng lên các em học sinh. Ảnh: LAP

Bên cạnh hiện tượng tự tử, số lượng học sinh bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì áp lực học tập cũng đang có chiều hướng tăng. Không ở đâu các em phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập như ở Việt Nam.

Từ sáng sớm, chúng ta đã có thể bắt gặp những trẻ nhỏ ở độ tuổi cấp I đeo những chiếc cặp sách nặng trĩu đợi xe đến trường. Cũng không lạ lẫm gì hình ảnh những em học sinh mọi độ tuổi tranh thủ tay đồ ăn, tay thức uống bên những tập tài liệu, bài giảng ở những cổng trường học, trung tâm luyện thi.

Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Việc này khiến các em không có thời gian vui chơi, mà còn khiến không ít em rơi vào các trạng thái bị rối loạn tâm lý, trầm cảm.

Xin hãy cho chúng con được sống - Ảnh 4.

Áp lực học hành khiến các em mệt mỏi, chán nản. Ảnh: camnanggiaoduc.org

Trong một số trường hợp, các hoạt động thể dục thể thao thực tế rất cần thiết đối với các em trong giai đoạn này nhằm mục đích giảm căng thẳng. Tuy nhiên, các môn thể thao chuyên nghiệp cần một sự khởi đầu sớm, nhưng áp lực của cha mẹ đã vô tình tạo ra nhiều xung đột tâm lý hơn là sự truyền cảm hứng. Thái độ cạnh tranh và so sánh trong các môn thể thao, thực chất mang lại nhiều tâm lý tiêu cực hơn cho các em.

Khiêu vũ, âm nhạc, nghệ thuật vốn là những lựa chọn tuyệt vời khi có tác dụng kích thích tính sáng tạo. Ở đó các em học được giá trị thiết yếu như kỷ luật, tập trung và làm việc theo nhóm, đồng thời giúp các em khám phá tiềm năng của mình bên ngoài thế giới của sách. Song áp lực của cha mẹ làm sao để vượt trội đã biến những hoạt động thú vị thành những sự kiện cạnh tranh nhiều mỏi mệt.

LÀM SAO ĐỂ BIẾT MỘT ĐỨA TRẺ BỊ CĂNG THẲNG?

Không quan tâm là một trong những dấu hiệu lớn nhất của một đứa trẻ bị căng thẳng.Thiếu quan tâm đến nghiên cứu, thời gian chơi, truyền hình và giải trí, hoặc các hoạt động ngoài trời, là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy một điều gì đó không đúng.

Các triệu chứng "bệnh lý"  là một dấu hiệu phổ biến của căng thẳng. Nhức đầu thường xuyên, đau dạ dày và buồn nôn là một số triệu chứng mà các em có thể gặp phải lo sợ hoặc lo lắng nói chung hoặc đối với một hoạt động cụ thể.

Suy nghĩ tiêu cực và hành vi tiêu cực gần như khá rõ ràng khi nói đến trạng thái căng thẳng của một người trẻ. Hành vi tiêu cực có thể bao gồm sự thay đổi tâm trạng, xâm lược, cô lập với xã hội, thậm chí từ chối gặp gỡ bạn bè.

Khi nói đến lứa tuổi thanh thiếu niên, áp lực của cha mẹ và căng thẳng sẽ là những yếu tố dễ dàng dẫn tới kết quả có thể chuyển thành các cuộc nổi dậy. Các hoạt động không mong muốn như hút thuốc lá, nghiện ma túy, bỏ học... có thể là tiếng kêu cứu khi không có khả năng đối phó với áp lực từ cha mẹ.

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?

Thấu hiểu là một yếu tố quyết định. Thay vì áp đặt, chúng ta có thể học cách lắng nghe các em. Việc lắng nghe sẽ giúp ta có thể hiểu hơn về những mong muốn, khả năng của con em mình. Từ đó đưa ra những lời khuyến khích, động viên giúp các em tự tin và biết cách chấp nhận thất bại. Để các em hiểu rằng thất bại là một dịp để tìm kiếm các cơ hội mới hơn chứ không phải là một dịp để buông bỏ.

Xin trích phần còn lại của bức thư nữ sinh nọ gửi gắm thay cho lời kết:

"Cháu cầu xin các bác, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo: Xin hãy cho chúng con được SỐNG. Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn nhất có thể..."

TP.HCM: Do áp lực học hành, nam sinh để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử TP.HCM: Do áp lực học hành, nam sinh để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử

VTV.vn - Nam học sinh đã để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước