Xin ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 26/08/2019 19:30 GMT+7

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo góp phần quan trọng hoàn thiện quan điểm, định hướng phát triển, cả tầm chiến lược và sách lược các lĩnh vực.

Hôm nay (26/8), Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Trưởng Tiểu ban để xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ 2021 - 2030 cùng với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2016 -2020 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2021 - 2025. Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các thành viên của Tiểu ban Văn kiện.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, được sự đồng ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tổ chức hội nghị này với mong muốn được nghe trực tiếp ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những người dày dạn kinh nghiệm, đồng thời luôn tâm huyết, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trăn trở trước những vấn đề lớn của đất nước, những khó khăn, bức xúc của nhân dân. 

Đưa ra một số vấn đề lớn để xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành quả cũng như bất cập, tồn tại là nội dung còn có ý kiến khác nhau. Bởi tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua cần đánh giá đúng thực chất, trung thực, khách quan, không "tô hồng" nhưng cũng không "bôi đen". Để từ đó có quan điểm, định hướng, giải pháp đúng đắn trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo cho ý kiến thêm về nội dung này để Tiểu ban tiếp tục hoàn thiện. Bởi nhìn trong phạm vi toàn xã hội, ở bất cứ nơi đâu, đất nước đều có thay đổi lớn lao, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo, nhìn chung đời sống người dân mọi miền của Tổ quốc được nâng lên rõ rệt. Nhưng không vì những thành quả đạt được mà chủ quan, thỏa mãn.

Đề cập tới những nguy cơ hiện hữu của đất nước mà Chiến lược 10 năm và Phương hướng nhiệm vụ 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội cần phải giải quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều đề cập đến việc Việt Nam "chưa giàu đã già", có khoảng cách phát triển về tuyệt đối, sự tụt hậu với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sức sản xuất và năng lực cạnh tranh. Vì thế, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trao đổi và suy nghĩ rất nhiều khi đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm cho 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến. Một cho rằng chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng 6-7% cho 5-10 năm tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 % mỗi năm. Bởi chỉ có tăng trưởng cao như vậy, Việt Nam mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước và mới có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy thì mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân".

Dẫn lại nhữnh kinh nghiệm thực tiễn trong điều hành đất nước thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để xốc tới và đạt được mục tiêu tăng trưởng cao thì cần có chiến lược, định hướng giải pháp mạnh mẽ, đột phá, có cách làm, có lộ trình bước đi phù hợp. Đặc biệt, bao trùm lên tất cả là sự đồng thuận, trên dưới một lòng, là tinh thần ý chí khát vọng vươn lên của tất cả các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Vì thực tế cho thấy giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện hoàn cảnh tương đồng, nơi nào làm quyết liệt, nỗ lực đổi mới vươn lên thì nơi đó đạt kết quả tốt. Thủ tướng nhấn mạnh nếu đất nước không có khát vọng vươn lên, không tự tạo ra sức ép đổi mới với chính mình, thực sự thay đổi tư duy cách làm, không nỗ lực phấn đấu quyết liệt, thì ngay cả tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm, cũng khó đạt được.

Thủ tướng nêu rõ, Văn kiện Đại hội Đảng là sự kết tinh trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì vậy, các ý kiến tại hội nghị này sẽ góp phần quan trọng để Tiểu ban Kinh tế - Xã hội hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả về tầm chiến lược và sách lược, đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất tất cả vì dân vì nước, vì tương lai sáng của dân tộc. Sau hội nghị này, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo để trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước