Bảo vệ phổi trước sự nguy hiểm trở lại của COVID-19

PV, icon
09:00 ngày 18/08/2022

VTV.vn - COVID-19 đang gia tăng trở lại trong mùa cao điểm dịch bệnh đường hô hấp, đồng nhiễm COVID-19 với cúm hoặc phế cầu có thể tăng nguy cơ tử vong lên gấp 6 lần.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 mới tại khu vực này đang tăng gấp ba lần trong vòng 6 tuần qua, với gần 3.000 người tử vong mỗi tuần. Sự xuất hiện của các biến thể mới, tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 giảm, người dân gia tăng hòa nhập xã hội là những yếu tố khiến làn sóng mới của COVID-19 có thể bùng phát thêm một lần nữa. Việt Nam đang ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca bệnh COVID-19, nhất là đã có sự xuất hiện  BA.2.75 - biến chủng phụ lây nhanh nhất của dòng Omicron.

Không chỉ nCoV gây bệnh COVID-19, rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác cũng đang bùng phát, đe doạ nguy cơ chồng chéo các dịch bệnh... Hàng năm có hơn 4 triệu trẻ em tử vong vì bệnh viêm hô hấp cấp (chủ yếu do viêm phổi), trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 – 6 lần/năm. Thời điểm giao mùa thu - đông, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến người cao tuổi, người có bệnh nền... không đủ sức đề kháng để kịp thích ứng với nhiệt độ, đường thở dễ bị cảm nhiễm và dẫn đến các đợt kịch phát.

Bảo vệ phổi trước sự nguy hiểm trở lại của COVID-19 - Ảnh 1.

Cúm và phế cầu tàn phá phổi không kém COVID-19, việc bảo vệ hệ hô hấp ngay lục này là vô cùng quan trọng

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC: “Vào mùa thu - đông, các mầm bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác, nhất là phế cầu khuẩn và cúm bùng phát mạnh mẽ. COVID-19 và các bệnh hô hấp này có điểm chung là đều tấn công, tàn phá các mô phổi đầu tiên và nặng nề nhất. Nếu đồng nhiễm, bội nhiễm cả COVID-19 và các bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu, phổi sẽ bị tàn phá nặng nề, tỷ lệ tử vong tăng cao”.

Theo ghi nhận tại BVĐK Tâm Anh, Hà Nội, bệnh nhân T.Đ.T (65 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đang điều trị ở ngày thứ 12 tại bệnh viện, với tiên lượng nguy kịch. Theo người thân của ông cho biết, cứ mỗi năm khi thời tiết thay đổi thì cúm mùa sẽ tấn công. Không may, ông T đồng nhiễm COVID-19 và cúm mùa. Trước khi nhập viện ông bị sốt, nghẹt mũi, khó thở, cổ họng có nhiều đờm, nặng ngực nên gia đình nghĩ là cảm xoàng và mua thuốc cho ông uống. Tuy nhiên, càng ngày các triệu chứng càng nặng, ông T không chỉ gặp các vấn đề về hô hấp, mà còn gặp nhiều khó khăn trong vận động. Được biết, ông T còn có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) từ năm 2007. Việc mắc "bệnh chồng bệnh" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông.

Các nhà nghiên cứu phát hiện trong đại dịch COVID-19, một nửa số ca tử vong do COVID-19 có biểu hiện đồng nhiễm virus, vi khuẩn. Trong đó phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và cúm là hai tác nhân gây bệnh đồng nhiễm phổ biến nhất trong đại dịch COVID-19. Bệnh nhân COVID-19 bị đồng nhiễm vi khuẩn có nguy cơ tử vong cao gấp 5,82 lần so với bệnh nhân COVID-19 không bị đồng nhiễm.

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, bất cứ ai cũng có nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, cúm mùa, ho gà… cùng lúc. Việc bội nhiễm khiến sức đề kháng kiệt quệ, lá phổi không đủ sức chống chọi với virus, vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, nhóm người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch, tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… khi đồng nhiễm COVID-19 tỷ lệ nhập viện, tiến triển nặng dẫn đến suy hô hấp và tử vong là rất cao.

Do đó, việc bảo vệ và tăng cường đề kháng cho hệ hô hấp, bảo vệ lá phổi cho tất cả mọi người bằng vaccine - đặc biệt là người lớn, người có bệnh nền mạn tính là vô cùng quan trọng; đặc biệt trong bối cảnh số ca COVID-19 đang gia tăng trở lại, các biến chủng mới liên tục xuất hiện. Một số loại vaccine có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lá phổi, tạo "miễn dịch chéo không đặc hiệu" và phòng ngừa các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa cấp tính… như vaccine phòng cúm, vaccine phòng phế cầu khuẩn... người dân cần tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Bảo vệ phổi trước sự nguy hiểm trở lại của COVID-19 - Ảnh 2.

Tăng cường đề kháng hô hấp, bảo vệ lá phổi bằng vaccine đặc biệt là người lớn, người có bệnh nền mạn tính là vô cùng quan trọng

Ngoài ra, nhiều loại vaccine khác tăng cường “đề kháng hô hấp” được các chuyên gia khuyến cáo tiêm phòng trong thời điểm hiện tại có thể kể đến như: vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván, vaccine phòng các bệnh do mô cầu khuẩn, Hib,...

Nhằm lan tỏa, cập nhật thông tin về COVID-19 và các bệnh hô hấp nguy hiểm, 20h, thứ Sáu, ngày 19/8/2022, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp với Báo điện tử VTV.VN, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, báo điện tử Vnexpress, báo Thanh niên tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến: "Cập nhật tình hình COVID-19, viêm phổi do phế cầu và các bệnh nguy hiểm giữa đại dịch", với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:

- BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm TP.HCM;

- BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC;

- TS.BS Lê Khắc Bảo - Phó Chủ tịch hội Y học giấc ngủ Việt Nam.

photo-2

Chương trình được phát trực tiếp trên các nền tảng uy tín như Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Vĩnh Long, báo điện tử VnExpress, báo Thanh Niên, fanpage Trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục